Hàng thiết yếu dồi dào, giá ổn định
Các siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp để tăng tần suất cung ứng hàng, bảo đảm luôn đủ hàng, giá ổn định trong 2-3 tháng tới.
- 07-03-2020Siêu thị đầy ắp hàng hóa, người dân nhộn nhịp mua sắm cuối tuần
- 19-02-2020Hàng hóa bán ra giảm 80%, ki-ốt tại chợ Đồng Xuân nghỉ tạm thời vì dịch Covid-19
- 14-02-2020Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới
Giờ mở cửa buổi sáng ngày 8-3, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Big C, MM Mega Market Việt Nam (gọi tắt là MM), Lotte Mart, Aeon, Emart ở TP HCM đón khách với ngồn ngộn hàng hóa chất đầy các quầy, kệ trong khu bán hàng tự chọn. Vì là ngày chủ nhật, lượng khách mua sắm khá đông đúc. Mặc dù vậy, theo ghi nhận của các siêu thị, khách chỉ tăng nhẹ so những chủ nhật trước và đã giảm nhiều so với mức tăng đột biến của ngày hôm trước, 7-3.
Dự trữ bằng tháng Tết
Chiều 8-3, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết đã "thở phào nhẹ nhõm" bởi hoạt động của siêu thị đã trở lại bình thường, tâm lý khách hàng cũng ổn định hơn, không còn hiện tượng mua gom như ngày hôm trước. Sau khi UBND TP Hà Nội công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên, ngày 7-3, lượng khách đổ về các hệ thống phân phối của Saigon Co.op tăng gấp 20 lần so với ngày kinh doanh bình thường. Do đã có sự chuẩn bị kỹ để ứng phó tình huống dịch bệnh, các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay… được nhân viên "châm" liên tục. Cũng trong ngày, các tổng kho của Saigon Co.op đã gấp rút đưa hàng về kho miền Bắc; tất cả nhà cung cấp cũng được yêu cầu vận chuyển hàng về Hà Nội. Các điểm bán liên tục khử trùng những dụng cụ tiếp xúc với khách hàng như giỏ hàng, xe đẩy, quầy kệ…; nhân viên được đo nhiệt độ trước khi vào - hết ca làm việc, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
"Tối 7-3, các siêu thị ở khu vực TP HCM đều bố trí tăng ca bổ sung hàng lên quầy kệ. Một số siêu thị còn linh hoạt mở cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong, dù trễ hơn giờ đóng cửa theo quy định. Chúng tôi cũng điều 2 chuyến hàng tăng cường cho các Co.opmart ở miền Trung và miền Bắc (thông thường ngày cuối tuần sẽ không đưa hàng đi tỉnh bởi ngày đầu tuần sức mua sẽ chậm) để bổ sung nguồn dự trữ cho ngày 8-3. Hôm nay, thông tin các siêu thị báo về là người tiêu dùng thấy hàng hóa dồi dào nên yên tâm mua sắm bình thường" - ông Đức nói.
Hàng hóa tại các siêu thị ở TP HCM vẫn đầy kệ .Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo lãnh đạo Saigon Co.op, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa cho tình huống dịch Covid-19 lan rộng từ tháng 2 nên hàng hóa luôn dồi dào, nguồn cung đa dạng. Cụ thể, hàng hóa Saigon Co.op dự trữ cho riêng dịch bệnh tương đương với dịp Tết nguyên đán vừa qua. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán.
Đại diện chuỗi siêu thị MM cũng cho biết đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khách hàng. Ngay từ đầu năm, MM đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20% - 40% so với kế hoạch. Hiện tại, MM đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá.
Đội ngũ nhân viên công ty làm việc trực tiếp với nông dân, tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm thực phẩm cung cấp luôn luôn an toàn, chất lượng. Tại các trung tâm, đội ngũ nhân viên được tăng cường nhằm bảo đảm dịch vụ nhanh chóng và tốt nhất.
Hiện các mặt hàng như: gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống… đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỉ đồng. Đặc biệt, đã tăng 1.500% mặt hàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng... "Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi tiếp tục làm việc với nhà cung cấp trên toàn quốc, nông dân tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Đồng Nai, các tỉnh ĐBSCL…, bảo đảm đủ lượng hàng thiết yếu trên toàn hệ thống và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm" - bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM, cho hay.
Hệ thống siêu thị Big C cũng đã chủ động dự trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần từ khi có dịch Covid-19 đến nay. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (sở hữu hệ thống siêu thị Big C), cho biết ngay trong ngày 7-3, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường tần suất giao hàng... Bên cạnh đó, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa để phục vụ khách.
Cam kết kìm giữ giá
Trước tình trạng tích trữ hàng hóa của người dân, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng phản ứng của người dân tích trữ hàng hóa là tâm lý rất bình thường, song người dân không cần thiết phải tích trữ bởi các siêu thị luôn bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu ngành công thương, các cơ quan chức năng chủ động cung ứng các mặt hàng hóa, không thể thiếu. Những cơ sở sản xuất nước rửa tay, khẩu trang phải sản xuất hết công suất để phục vụ người dân.
Không chỉ chủ động điều phối nguồn hàng, bảo đảm hàng lên kệ không bị "đứt", gây thiếu hụt cục bộ, các siêu thị còn cam kết đồng hành, bảo đảm nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa tại các điểm bán ở Hà Nội cũng như cả nước. Các DN sản xuất trong chương trình Bình ổn thị trường TP HCM cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn TP HCM. Trong đó, mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường vẫn ổn định, lượng thực phẩm chế biến rất dồi dào, đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đến hết quý II và không tăng giá.
Mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt) sản lượng tăng gấp 2-3 lần so với nhu cầu tiêu thụ. Đặc biệt, sản lượng gạo dự trữ bảo đảm cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn.
Cho rằng việc người tiêu dùng lo lắng, ồ ạt đi mua đồ dự trữ hoàn toàn không cần thiết và chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vincommerce (chủ hệ thống VinMart, VinMart+), khuyến khích khách hàng chỉ nên mua lượng đủ dùng để bảo đảm sinh hoạt thiết yếu cho gia đình.
"Nguồn cung hàng hóa rất nhiều và chúng tôi cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày. Đặc biệt, sẽ tăng cường các hàng hóa thiết yếu như thịt sạch MEATDeli và rau củ quả VinEco, mì gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang... trên toàn bộ các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+" - bà Tâm cam kết.
Tổng hợp số liệu báo cáo từ các hệ thống bán lẻ hiện đại, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết các đơn vị đều khẳng định lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng. Vì vậy, Sở Công Thương TP kêu gọi người dân an tâm, không nên tích trữ hàng hóa, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng thị trường.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 7-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị không thể để thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các địa phương, đặc biệt là các TP lớn trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ông Trần Tuấn Anh cũng lưu ý các ngành, địa phương, DN cần tính toán đến những tình huống bất ngờ, dẫn đến một bộ phận người tiêu dùng bị tác động, mua hàng hóa tích trữ. "Thậm chí tính cả những phương án xấu như cách ly sẽ kéo dài, lan rộng nhằm bảo đảm nguồn cung. Tất cả chúng ta, các DN, hệ thống phân phối đều phải vào cuộc" - ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo người dân cần hết sức bình tĩnh, trong bối cảnh đất nước đang khó khăn nên càng cần sự sẻ chia, chung sức chung lòng. Các DN nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân cùng kiểm soát thị trường. Người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tạo sốt hàng hóa ảo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các DN phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ hàng hóa phục vụ người dân.
Tổng cục QLTT cũng vừa có công văn khẩn chỉ đạo cục QLTT các địa phương giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là hàng hóa thiết yếu; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các cục QLTT cần bố trí nguồn lực hợp lý, ưu tiên cao cho việc khẩn trương xử lý triệt để số khẩu trang đang tạm giữ, đã tịch thu.
Tr.Nguyễn
Người lao động