Bộ Tài chính được đề xuất làm Chủ tịch Hội đồng liên ngành về giá thuốc
Nhà nước sẽ quản lý về giá thuốc theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật...
Hội đồng liên ngành về giá thuốc gồm Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan. Theo Bộ Y tế, kinh nghiệm thực tiễn triển khai quản lý giá thuốc tại Việt Nam, việc quản lý giá thuốc cần có sựphối hợp liên ngành về tài chính, chuyên môn về dược.
Do đó để tăng cường trách nhiệm, phối hợp các bộ ngành trong công tác quản lý giá thuốc, dự thảo đề xuất việc thành lập Hội đồng liên ngành có chức năng tư vấn cho Bộ Y tế làm đầu mối về quản lý giá thuốc và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các chính sách, biện pháp quản lý về giá thuốc.
Về việc thành lập Hội đồng liên ngành về giá thuốc, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án sau:
Phương án 1: Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hội đồng có bộ phận thường trực giúp việc đặt tại Bộ Tài chính.
Phương án 2: Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hội đồng có bộ phận thường trực giúp việc đặt tại Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, nếu lựa chọn phương án 1 sẽ phù hợp theo quy định của Luật giá vì Bộ Tài chính được phân công thực hiện chức năng quản lý giá nói chung và là đơn vị xây dựng các chính sách, cơ chế về giá thuốc mang tính chất chỉ đạo, điều hành, đồng thời đảm bảo tính khách quan trong quản lý giá thuốc.
Nếu lựa chọn phương án 2 sẽ không đảm bảo tính khách quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi” do có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế vừa phụ trách cấp phép, sản xuất, lưu thông lại quản lý giá thuốc cũng như Bộ Y tế không có chuyên môn về tài chính nên chỉ đóng vai trò thực thi các cơ chế, chính sách quản lý giá thuốc do Bộ Tài chính xây dựng.
Vì vậy, việc giao Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng liên ngành về giá thuốc sẽ phát huy hiệu quả hơn.
Nhà nước quản lý về giá thuốc theo cơ chế thị trường
Cũng về quản lý giá thuốc, dự thảo nêu rõ, Nhà nước quản lý về giá thuốc theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước…
So với Luật dược hiện hành, dự thảo Luật bỏ quy định tham khảo giá tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và bỏ quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả do việc đưa ra quy định tiêu chí các nước có điều kiện y tế tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa là không khả thi.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định việc quản lý giá thuốc có trọng tâm, trọng điểm, với phạm vi quản lý cụ thể: 1- Quản lý giá các thuốc thuộc danh mục bình ổn giá bằng hình thức kê khai giá; 2- Đối với các thuốc có nguy cơ độc quyền, thị trường cạnh tranh hạn chế (thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc biệt dược, thuốc có ít số đăng ký) theo quy định của Luật giá năm 2012 sẽ tiến hành hiệp thương giá; 3- Đối với thuốc do Ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả tổ chức đấu thầu tập trung và có lộ trình, trước mắt đấu thầu tập trung cấp tỉnh để đảm bảo giá trúng thầu thống nhất.
Dự thảo cũng bổ sung quy định việc hiệp thương giá đối với các thuốc có nguy cơ độc quyền, thị trường cạnh tranh hạn chế (thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc biệt dược, thuốc có ít số đăng ký) sử dụng tại các cơ sở y tế do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Bộ Y tế cho rằng quy định này là phù hợp Luật giá năm 2012 do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ là đơn vị trung gian giữa bên mua là cơ sở khám chữa bệnh và bên bán (cơ sở kinh doanh cung ứng thuốc vào bệnh viện).