MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nạn hàng giả, hàng lậu gia tăng sức ép lên doanh nghiệp nội

09-05-2014 - 22:03 PM |

Báo cáo về tình hình cộng đồng doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.

Gánh nặng cộng dồn

Vấn đề nghiêm trọng nhất là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và đặc biệt nhất là hàng lậu tràn lan trên thị trường với giá thành rẻ mạt đang gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính. 

Vấn nạn này còn mang lại cho xã hội nhiều hệ lụy tiêu cực khác như ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng, suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất trong nước…

Số liệu từ Cục Quản lý thị trường cũng chỉ ra rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Trong năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 12.711 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng nhập lậu; 14.008 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm; 57.774 vụ vi phạm về gian lận thương mại và các vi phạm khác.

Thực trạng báo động là không chỉ các nhãn hàng xuất xứ nước ngoài có uy tín mà chính hàng xuất xứ Việt Nam cũng bị làm giả tràn lan ngay trên sân nhà.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết “tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.”

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp trong nước đang phải nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu, khi mà các cam kết hội nhập WTO về lộ trình mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ 1/1/2015 với các mức thuế quan giảm xuống 0% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu đang đến rất gần.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông khi đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp đã nhấn mạnh, sau giai đoạn kinh tế giảm sút, thị trường hàng hóa và xuất khẩu năm 2013 có dấu hiệu phục hồi nhưng ở mức độ chậm. Sức cầu của nền kinh tế duy trì ở mức thấp, tổng hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2013 chỉ đạt 12,65 - mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây - và quý I/2014 cũng chỉ đạt mức tăng thấp 10,2% so với cùng kỳ năm 2013.

“Thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng,” ông Đông cảnh báo.

Chiến lược quốc gia về thị trường 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bên cạnh những lỗ lực mở cửa, thâm nhập thị trường thế giới, Việt Nam rất cần một sự quan tâm thỏa đáng tới việc bảo vệ thị trường nội địa, chẳng hạn như các biện pháp phòng vệ thương mại: chống bán phá giá, hàng rào vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ…

"Hiện nay, công việc này theo nhận định của cộng đồng doanh nghiệp đang là khâu rất yếu,” ông Lộc thẳng thắn.

Trước thực tiễn trên, VCCI đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phòng, chống  những vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu.

Cụ thể, bên cạnh việc tăng cường năng lực của các cơ quan phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu như công an, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành của các cơ quan có liên quan… thì cần phải đẩy mạnh hơn hoạt động chống tham nhũng trong các cơ quan này. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước; nâng cao nhận thức người tiêu dùng về sự phá hoại nền sản xuất, kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước của hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; xây dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ từ bên kia biên giới tràn vào Việt Nam. 

Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi một chiến lược quốc gia về thị trường nội địa, qua đó hoàn thiện hệ thống chính sách chống hàng lậu, hàng giả và ủng hộ hàng Việt Nam; hỗ trợ tiến hành tổ chức nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu tiêu dung; xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa, trong đó đặc biệt chú ý thị trường nông thôn đồng thời thúc đẩy lưu thông hàng hoá trên thị trường nội địa, giảm bớt chí phí, thời gian vận chuyển./.

Theo Hạnh Nguyễn

khanhnt

TTXVN

Trở lên trên