Chúng
tôi tìm đến làng Yên Ngưu (tên nôm thường gọi là làng Ngâu), thuộc xã
Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, một trong những địa danh nổi tiếng với nghề
nấu rượu ngon của Hà Nội. Rượu làng Ngâu nổi tiếng trong lịch sử với câu
ca dao: “Rượu hũ làng Ngâu, bánh đúc trâu làng Tó”. Với hương vị thơm
nồng, nặng mà không sốc, rượu làng Ngâu được người Hà Nội rất ưa chuộng.
Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình ở ngôi làng cổ này vẫn đang phát triển
nghề nấu rượu truyền thống.
Được người quen dẫn vào nhà anh Nguyễn Ba, một trong
những hộ có kinh nghiệm nấu rượu nhiều năm nay, nhìn thoáng trong căn
bếp nhỏ, hàng dãy can rượu mới được nấu, xếp ngay ngắn. Trong góc khác,
một trong hai chiếc bếp than vẫn đang đỏ lửa với nồi cám đang sôi. Anh
Ba cho hay, cám này được nấu từ bã rượu, dùng để nuôi lợn. Anh cũng chia
sẻ: Nhà anh có nghề nấu rượu từ thời ông bà để lại. Ban đầu chỉ là nấu
vui dùng trong gia đình, sau này do nhu cầu người đến mua nên nhà anh đã
nấu để bán. Mỗi ngày gia đình anh bán trung bình khoảng 20-30 lít, ngày
lễ Tết thì bán nhiều hơn một chút. Giá hiện giờ là 30.000đ/lít.
Anh kể, so với nhiều nơi nấu rượu khác, thì rượu làng
Ngâu “nặng” hơn nhiều, ai uống quen sẽ thấy rất thích. Nhà anh nấu rượu
theo yêu cầu của khách đặt, đa phần là người làng, người xã mua cho
người quen, nên chẳng bao giờ anh nghĩ đến chuyện phải đăng ký bản quyền
hay nhãn mác.
Không riêng gì anh Ba, qua tìm hiểu chúng tôi được
biết, không ít gia đình ở làng Yên Ngưu hiện vẫn đang nấu rượu, và hầu
như không nhà nào có đăng ký bản quyền hay nhãn mác gì. Họ nấu rượu theo
cách của ông cha họ trước đây, phục vụ nhu cầu bản thân, bán cho người
làng, khách vãng lai, bã rượu dùng để chăn nuôi. Cung cách làm ăn này đã
có từ hàng trăm năm trước và gắn bó với từng gia đình trong làng như
một thứ nghề, và cũng là nghiệp.
Không chỉ riêng anh Ba, hầu như tất cả các hộ nấu rượu
ở làng Ngâu đều “ngơ ngác” khi được hỏi về Nghị định 94. Hy hữu, một
vài hộ dân có biết đến, nhưng cũng chỉ nghe qua các phương tiện truyền
thông đại chúng. Và với họ, việc nấu rượu vẫn không thay đổi gì, cứ có
khách đặt là họ nấu và ai cũng khẳng định, rượu do nhà mình nấu ra ngon,
chuẩn, đảm bảo chất lượng, không pha cồn, không thêm đạm…
Nghị định 94 của Chính phủ có hiệu lực chính thức từ
ngày 1/1, sau khi ban hành được gần hai tháng trước đó. Nhưng thông tư
hướng dẫn Nghị định này đến ngày 2/2 mới có hiệu lực. Theo Nghị định
này, quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị
trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho
các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải
đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ,
người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có
giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp
bị kiểm tra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp
hội Làng nghề cho biết, hiện nay cả nước có 3.355 làng nghề và làng có
nghề. Trong số 400 làng nghề truyền thống có khoảng 40-50 làng nấu rượu.
Nghị định 94 ra đời là cần thiết, quan trọng. Song đưa ra hiệu lực ngay
thì quá đột ngột và bỡ ngỡ với dân.
Thực tế, trong năm 2012, số ca ngộ độc vì rượu ở nước
ta chiếm 3,5% tổng số ca ngộ độc. Số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm
tới 26% trên tổng số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm nói chung. Rượu
kém chất lượng, rượu “nút lá chuối” pha thêm cồn, đạm… vẫn được bán
nhan nhản khắp các nẻo quê. Vì thế, Nghị định 94 ra đời là chủ trương
hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ, nhằm quản lý tốt hơn loại đồ uống này.
Tuy nhiên, với quy mô nhỏ lẻ, các hộ nấu rượu tự phát, cần có những thủ
tục đơn giản, dễ dàng và quản lý là để tạo điều kiện cho người dân yên
tâm sản xuất hơn.
Theo CAND