MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thợ làng gây dựng thương hiệu bánh kẹo

17-09-2013 - 07:35 AM |

Thợ làng ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) đã có sự bứt phá thành lập doanh nghiệp, đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm bánh kẹo có chất lượng cao, có thương hiệu nhưng hướng tới người tiêu dùng bình dân.

Làng nghề đang chuyển đổi

Xã La Phù một thời nổi tiếng là nơi cung cấp các loại bánh kẹo bình dân, các loại bánh kẹo nhái cho thị trường nông thôn các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là khu vực miền núi. Theo ông Dư Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù kiêm Trưởng ban An toàn thực phẩm xã, những năm trước đây, sản phẩm của làng rất khó cạnh tranh với các hãng lớn, người dân phải tìm mọi cách để tồn tại với nghề, trong đó hướng vào sản phẩm giá rẻ, và làm cả hàng nhái.

Bánh kẹo của La Phù được thương lái khắp nơi ưa chuộng vì giá rẻ, chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/gói. Theo giới thương lái, sở dĩ bánh kẹo ở La Phù luôn rẻ hơn nơi khác nhiều lần là do chi phí nguyên liệu thấp, sôcôla, bánh quy, mứt, bánh kem xốp... đều có thể làm từ... sắn. 

Với cách thức này, tuy sản phẩm được tiêu thụ nhiều, nhưng cũng dần làm mất uy tín của làng nghề, nhất là thường bị người tiêu dùng phàn nàn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước nguy cơ bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của làng nghê, xã La Phù đã triển khai chương trình xây dựng thương hiệu và uy tín cho làng nghề bánh kẹo La Phù. Các doanh nghiệp lớn cũng nhận thức được nguy cơ và thiệt hại, nên thay vì dấm dúi làm hàng nhái đã chuyển hướng làm ăn, đầu tư tiền tỷ để sản xuất các loại bánh kẹo chất lượng.

Đến thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Thực Phẩm Vàng, chúng tôi thấy các dây chuyền sản xuất bánh kẹo tự động đang hối hả hoạt động. Ở dây chuyền bánh bích quy và bánh trứng, không còn khâu nào phải làm thủ công. Tương tự, ở dây chuyền kẹo sữa, khâu phối trộn nguyên liệu và đóng gói cũng đã được tự động hóa. Vẫn có cái rộn ràng của sản xuất công nghiệp, nhưng nhận ra sự nhẹ nhàng, êm ái và hiện đại từ máy móc đến người điều hành... 

Ông Nguyễn Viết Phú - Giám đốc công ty không ngần ngại tiết lộ rằng ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tiến công nghệ làm bánh kẹo. Giơ tay chỉ một vòng nào là dây chuyền sản xuất bánh bích quy trị giá gần 3 tỷ đồng, cái máy làm kẹo sữa 700-800 triệu đồng, dây chuyền sản xuất bánh trứng cũng lên tới 4-5 tỷ đồng... ông Phú hào hứng: “Mỗi dây chuyền thay thế được hàng chục công nhân, tuy tiết kiệm chi phí lao động, nhưng khấu hao máy móc cao nên giá thành sản phẩm bánh kẹo không rẻ hơn trước. Bù lại, chất lượng và hình thức bánh kẹo làm bằng máy cao hơn rất nhiều”.

Với niềm tự hào của một người đang ăn nên làm ra, quy củ, đàng hoàng, anh Nguyễn Quang Phong - chủ doanh nghiệp Hoàng Gia tuyên bố: Chất lượng bánh kẹo của doanh nghiệp anh không thua kém sản phẩm cao cấp đâu nhé! Anh Phong liệt kê: Nguyên liệu đầu vào được lựa chọn kỹ, là hàng nhập khẩu như bơ Mỹ, sữa Úc... Bánh quy nhân sôcôla mang nhãn hiệu Hoàng Gia ngon không kém gì bánh quy nhân sôcôla của Thái Lan, nhưng rẻ hơn gần 10.000 đồng/kg nên tiêu thụ rất thuận lợi. “Gần tới Tết Trung thu nên mỗi ngày chỗ tôi xuất ra thị trường hơn 10 tấn kẹo, bánh các loại đấy”- anh Phong nói.

Dân buôn có nhiều lựa chọn

Rất thành thật, ông Dư Quốc Bảo tâm sự rằng?biết được điểm yếu của làng nghề là bà con ít quan tâm tới an toàn vệ sinh thực phẩm, nên xã đang tập trung tuyên truyền ở mảng này. Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng kiểm tra, hướng dẫn và tập huấn nghiệp vụ cho các cơ sở sản xuất. 

Trong năm 2012 - 2013 đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho các cơ sở, đồng thời xã cũng tiến hành kiểm tra 3 lần. “Hàng kém chất lượng hiện chỉ tồn tại ở một số lò sản xuất bánh kẹo hộ gia đình. Hàng chục doanh nghiệp bánh kẹo tại đây đã và đang tạo dựng thương hiệu cho riêng mình, thợ làng đã đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến từ nước ngoài, nguyên liệu nhập khẩu”- ông Bảo nói. 

Xem những con số trong bản thống kê của UBND xã La Phù, chúng tôi cũng thấy nể phục ý chí và quyết tâm làm giàu của họ. Với dân số trên 10.000 người, hiện xã có hơn 40 doanh nghiệp và khoảng 100 hộ chuyên sản xuất bánh kẹo, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Mỗi ngày, La Phù sản xuất hàng trăm tấn hàng, ngoài tiêu thụ trong nước thì còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, châu Phi...

Quyết tâm xây dựng thương hiệu cho bánh kẹo La Phù của chính quyền và người dân nơi đây mà chúng tôi muốn tìm hiểu cũng được anh Nguyễn Văn Nam - một chủ buôn lớn chuyên “đánh” hàng bánh kẹo La Phù về bán ở Phú Thọ chia sẻ: “Chả giấu gì anh, những năm trước, ở La Phù toàn bánh kẹo rẻ tiền. Điểm cạnh tranh của họ là phù hợp với người tiêu dùng có thu nhập thấp ở nông thôn. Nhưng giờ người tiêu dùng ở nông thôn cũng không thích những loại bánh kẹo không rõ xuất xứ, nhiều phẩm màu, đường hóa học, nên việc chuyển đổi ở La Phù là cần thiết, lái buôn bọn em rất ủng hộ”.

Ngoài việc chuyển đổi ấy, điều mà chúng tôi nhận thấy là dân làng nghề La Phù cũng thức thời và cập nhật tình hình kinh tế lắm. Anh Nam nhận xét rằng so với mặt bằng giá bánh kẹo cùng loại, các loại bánh kẹo có thương hiệu ở La Phù có giá cả hợp lý, đấy là yếu tố giúp họ tiêu thụ hàng mạnh. 

“Rất nhiều mặt hàng bánh kẹo, nhất là bánh xốp, bánh trứng ở La Phù hiện được khách hàng nông thôn ưa chuộng vì chất lượng ổn, trong khi giá hạ hơn các hãng khác rất nhiều. Chẳng hạn: Một hộp bánh trứng ở La Phù giá khoảng 30.000-32.000 đồng, trong khi giá hộp bánh cùng loại của hãng lớn khoảng 42.000-50.000 đồng” - anh Nam cho biết. 

Còn theo những ông chủ như ông Phú, anh Phong... thì năm nay tình hình kinh tế vẫn khó khăn, nên bánh kẹo có thương hiệu nhưng giá phù hợp càng được ưa chuộng, do đó các cơ sở vẫn sống khỏe. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, dân buôn bán ở La Phù cũng “đánh” hàng bánh kẹo chính hãng bán hàng về nông thôn. Vì thế, những ngày này, bánh kẹo La Phù ùn ùn đổ đi các tỉnh. Lượng buôn bán trên mỗi chủ hàng tính theo đơn vị cả ngàn thùng hàng. 

Anh Nguyễn Văn Nam cho biết: “Tôi cho rằng về nguyên liệu và công nghệ, dân La Phù đã có sự đầu tư nên sản phẩm không có sự khác biệt, còn giá cả thấp hơn nơi khác vì ở La Phù quản lý rất gọn nhẹ, không mất chi phí mặt bằng, phân phối trực tiếp (không phải qua đại lý). Tuy nhiên, ở La Phù vẫn còn nhiều hàng nhái, không phải dân buôn như tôi thì rất dễ bị mua nhầm”. 
Phong Lê (ghi)

Theo Chu Khôi

khanhnt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên