Hàng Việt yếu ớt vì gánh 40 tỉ USD
Ngành xuất nhập khẩu Việt Nam gặp nhiều rủi ro vì phụ thuộc vào nước ngoài.
Chi phí logistics - vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác… chiếm 21%-25% GDP của Việt Nam (VN), tương đương 37-40 tỉ USD. Mức chi phí này được xem là đắt đỏ nhất thế giới.
Đây là thông tin được công bố tại “Diễn đàn Logistics VN năm 2016” do nhiều cơ quan cùng phối hợp tổ chức ngày 24-11 ở TP.HCM.
Làm giảm sức cạnh tranh hàng Việt
Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại VN. Đơn cử với ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.
Nhiều đại biểu nhận định chi phí logistics quá cao đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý, trong chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm quá lớn, lên tới gần 60%.
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu rau quả tại TP.HCM nói: “Chi phí vận tải quá nhiều đã gặm hết lợi nhuận. Quan trọng hơn là nó đẩy giá thành sản phẩm tăng nhưng công ty không dám tăng giá bán nên gặp khó khăn.
Cũng theo doanh nghiệp (DN) này, nguyên nhân khiến phí vận tải đắt đỏ là do đường sá chưa tốt, dày đặc trạm thu phí và việc quy hoạch cảng chưa hợp lý. Ngoài ra, các chi phí không chính thức khi đi trên đường cũng đẩy chi phí vận tải tăng cao.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Logistics VN (VLA), cho hay nhiều hội viên phản ánh vào những ngày cao điểm, thời gian lưu thông từ trạm thu phí xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái mất tới ba giờ đồng hồ cho đoạn đường chỉ dài 12 km.
“Hệ quả do kẹt cảng tại TP.HCM dẫn tới DN giao hàng trễ, lãng phí nhiên liệu, tăng phí vận chuyển, ảnh hưởng đến lợi nhuận DN. Thậm chí làm mất uy tín với khách hàng, phải bồi thường việc chậm trễ hợp đồng” - ông Minh nói.
Nói thêm về nguyên nhân chi phí logistics VN quá cao, TS Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, cho rằng kết nối hạ tầng, khả năng xếp dỡ và trung chuyển container còn hạn chế; chi phí trung chuyển giữa đường sông và đường biển còn cao do mức độ container hóa thấp.
Ông Ngọc phân tích: “Kết nối về phương tiện kém vì hầu hết hàng hóa nước ta hiện đang vận chuyển ở dạng hàng rời. Mức độ container hóa thấp do thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ đóng gói, xử lý container. Đặc biệt, kết nối về thông tin tại các cảng biển, cảng sông, ga đường sắt còn rất lạc hậu”.
Bài học đắt giá
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, cho rằng vụ hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc là Hanjin phá sản mới đây đã kéo theo nhiều công ty xuất nhập khẩu VN bị thiệt hại. Vụ việc này cho thấy năng lực logistics VN yếu kém.
“80% DN logistics của chúng ta chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực hạn chế, tập trung chủ yếu khai thác trong nước. Đặc biệt vận tải biển hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài vì không có công ty VN nào đủ sức có tàu lớn chạy chuyến quốc tế. Chính sự phụ thuộc này khiến các công ty xuất nhập khẩu VN chịu chi phí cao và gặp nhiều rủi ro” - ông Hiệp phân tích.
Cũng theo ông Hiệp, hiện Singapore đã có những hãng tàu có thể cung ứng quốc tế, Malaysia và Thái Lan cũng vậy. Nhưng đến nay vẫn chưa có đại gia Việt nào đủ tiềm lực làm chủ một hãng tàu lớn, bởi lâu nay các công ty logistics hầu như tự bơi là chính.
“Hàng xuất nhập khẩu VN chủ yếu vận tải bằng đường biển. Vì thế, trước mắt DN Việt nên xây dựng các tuyến dịch vụ vận tải biển trong khu vực ASEAN, sau đó mới nghĩ tới đi xa hơn. Để làm được điều này đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính lớn, vì thế các DN cần liên kết với nhau hoặc cần sự liên kết giữa công ty nhà nước với tư nhân để thực hiện” - ông Hiệp đề xuất.
Sau khi thừa nhận ngành logistics của VN đang còn nhiều vấn đề yếu kém, chính sách quản lý của Nhà nước còn chồng chéo…, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ đang phối hợp với nhiều bộ, ngành, hiệp hội, DN… xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tại VN.
“Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo nền cơ chế thuận lợi để các DN logistics VN củng cố năng lực, thị phần, nhanh chóng gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” - Thứ trưởng Hải nói.
Cao hơn ba lần Singapore
Hơn 500 DN, chuyên gia, cơ quan quản lý đã tới tham dự “Diễn đàn Logistics VN năm 2016” do Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Ngân hàng Thế giới và Thời Báo Kinh Tế VN phối hợp tổ chức. Thông tin tại diễn đàn cho biết sau chín năm VN gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng lên 2,94 lần, từ 111,2 tỉ USD năm 2007 lên đến 327,76 tỉ USD năm 2015; thị trường bán lẻ trong nước tăng bình quân 20%-25%/năm.
Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của ngành logistics.
Tuy nhiên, mức chi phí logistics tại VN cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới ba lần.
Giảm thời gian thông quan
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan, cho biết thời gian tới sẽ tập trung cải thiện về cả điểm số và chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh lẫn chỉ số hoạt động logistics, bãi bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp.
Cụ thể, đến cuối năm 2016, thời gian thông quan xuất khẩu từ 21 ngày sẽ giảm xuống còn 10 ngày; thủ tục xuất khẩu dự kiến đến năm 2020 chỉ mất 36 giờ. Thời gian thông quan nhập khẩu từ 21 ngày sẽ chỉ còn 12 ngày và đến năm 2020 còn 41 giờ.
Bên cạnh đó sẽ thay đổi căn bản phương thức kiểm tra chuyên ngành.
Pháp luật TPHCM