MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hảo ngọt – nêm đường sai cách, nhiều người Việt đang tự hại sức khỏe ra sao?

18-10-2024 - 17:00 PM | Sống

Đường là gia vị không thể thiếu trong mỗi căn bếp của người Việt, giúp gia tăng hương vị cho các món ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách, loại gia vị này có thể gây hại sức khỏe.

Nôi dung chính

  • Lượng đường người Việt tiêu thụ gần bằng mức giới hạn tối đa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị.
  • Tác hại khi lạm dụng đường.

Gia vị tạo nên hương vị và đem lại cảm giác ngon miệng cho món ăn. Tuy nhiên, sử dụng gia vị sai cách có thể tiềm ẩn mối nguy bệnh tật cho cả gia đình. Do đó, người dân cần sử dụng gia vị đúng cách để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Nếu như các loại gia vị mặn tạo nên sự đậm đà cho món ăn thì đường mang tới vị ngọt, giúp trung hòa nhiều món. Đường được người Việt sử dụng khá phổ biến trong chế biến như pha chế (nước mắm), nêm vào các món ăn, thắng đường (tạo ra màu, vị cho món ăn)…

PGS. TS. BS. Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người giảm tiêu thụ đường trong chế độ ăn. Lượng đường này bao gồm cả đường trong gia vị nấu nướng và đường có sẵn trong thực phẩm...

Theo khuyến nghị của WHO, lượng đường tiêu thụ hàng ngày không nên vượt quá 10% tổng năng lượng khẩu phần ăn trong ngày (tương đương với 50g/ngày) và tốt nhất nên giảm lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g/ngày, chiếm dưới 5% tổng năng lượng khẩu phần.

"Ví dụ, trung bình một người mỗi ngày bổ sung 2.000 kcal. Lượng đường tiêu thụ được khuyến nghị không vượt quá 10% tổng năng lượng, tức 200 kcal; 1g đường lại cung cấp 4 kcal. Như vậy, theo khuyến nghị, mỗi ngày mọi người không nên ăn quá 50g đường", phó giáo sư Niên nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trung bình một người Việt ăn 46,5g đường mỗi ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ được WHO khuyến cáo là dưới 25g/ngày. 

Hảo ngọt – nêm đường sai cách, nhiều người Việt đang tự hại sức khỏe ra sao?- Ảnh 1.

Người dân thắng đường để nấu cùng thịt lợn. (Ảnh minh họa)

Lạm dụng đường gây hại sức khỏe ra sao?

Phó giáo sư Niên cho biết hiện nay đường có mặt ở khắp nơi trong các thực phẩm. Một trong những cách dùng đường phổ biến của người Việt là thắng đường (caramel hóa) để nấu cùng món ăn. Đây là phương pháp chế biến dùng nhiệt độ khiến đường tan chảy và chuyển sang màu nâu. Thắng đường giúp tạo ra hương vị ngọt bùi và màu hấp dẫn cho món ăn.

Ngoài ra, nhiều người Việt cũng nêm nếm đường trong món ăn khác do có khẩu vị hảo ngọt. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, ăn quá nhiều đường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh về rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như: đái tháo đường, thừa cân - béo phì…

Lời khuyên của chuyên gia

Theo phó giáo sư Niên, việc ăn thừa đường có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Do vậy, khi sử dụng đường trong chế biến thực phẩm, người dân chủ động giảm dần lượng đường khi nấu nướng.

Mỗi một người sẽ có cảm nhận vị giác khác nhau, có người thích ăn ngọt, có người không, nhưng cần lưu ý tổng lượng đường đưa vào cơ thể cần phải dưới 10% tổng năng lượng trong ngày.

“Hạn chế thêm quá nhiều đường bổ sung vào thực phẩm, khống chế tiêu thụ đường ở mức tối thiểu là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Bởi khi tiêu thụ quá nhiều đường, lượng đường sẽ nhanh chóng được hấp thu vào cơ thể, gây tăng chỉ số đường huyết, về lâu dài sẽ gây ra bất lợi cho sức khỏe”, phó giáo sư Niên nói.

Theo Ngọc Minh

Đời

Trở lên trên