MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HAR muốn mua thêm 18% vốn chủ quản Xà bông Cô Ba: 3 năm lấn sân FMCGs bất thành, chuyển sang tập trung phát triển quỹ đất

10-11-2020 - 22:41 PM | Doanh nghiệp

Năm 2018 theo đó là năm An Dương Thảo Điền gây chú ý thị trường với những công bố kế hoạch lớn. Tuy nhiên, "sự thất vọng" sớm xuất hiện khi thực tế về cổ tức, tình hình kinh doanh cả mảng chính là bất động sản cũng chiến lược holdings không như kỳ vọng khiến nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu HAR ngay trong năm 2018.

HĐQT Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR) vừa thông qua nghị quyết về việc mua thêm 17,8% vốn góp tại Sản xuất và thương mại Phương Đông (đơn vị sở hữu thương hiệu Xà bông Cô Ba). Mục đích tăng tỷ lệ sở hữu là để "tối đa hoá lợi ích", đồng thời uỷ quyền cho ông Nguyễn Nhân Bảo – Tổng Giám đốc lựa chọn thời gian nhận chuyển nhượng, phê duyệt giá mua và thương lượng các điều khoản trong hợp đồng.

Được biết, vào tháng 10/2017, An Dương Thảo Điền chính thức rót vốn vào Phương Đông. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, HĐQT An Dương Thảo Điền cho biết sẽ mua ít nhất 35% cổ phần và quyền mua thêm 20% cổ phần chào bán, tuy nhiên sau đó chỉ sở hữu được 30,88% vốn.

Được biết, Phương Đông sở hữu thương hiệu Xà bông Cô Ba được ra đời vào năm 1932 với tiền thân là Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà Bông Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam và đổi thành tên như hiện tại vào năm 2004.

Lúc bấy giờ, mua vào Phương Đông đồng nghĩa với kế hoạch An Dương Thảo Điền chuyển đổi sang hình thức công ty holdings, trong đó sẽ khôi phục lại thương hiệu Xà bông Cô Ba và bước chân vào mảng FMCGs. Song trọng tâm chú ý của thương vụ xoay quanh quỹ đất 10.000 m2 của Phương Đông tại các quận trung tâm, lãnh đạo An Dương Thảo Điền cũng không phủ nhận mục đích này.

Năm 2018 theo đó là năm An Dương Thảo Điền gây chú ý thị trường với những công bố kế hoạch lớn. Tuy nhiên, "sự thất vọng" sớm xuất hiện khi thực tế về cổ tức, tình hình kinh doanh cả mảng chính là bất động sản cũng chiến lược holdings không như kỳ vọng khiến nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu HAR ngay trong năm 2018.

Cuối năm này, CTCP Quản lý quỹ Vina Capital cũng chính thức bán ra toàn bộ hơn 11,18 triệu cổ phần HAR, tương ứng 11,06% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty và không còn là cổ đông lớn. Hiện, cổ phiếu HAR giao dịch dưới mức 5.000 đồng/cp, thanh khoản thấp.

HAR muốn mua thêm 18% vốn chủ quản Xà bông Cô Ba: 3 năm lấn sân FMCGs bất thành, chuyển sang tập trung phát triển quỹ đất - Ảnh 1.

Về kinh doanh, giai đoạn 2017-2019, lợi nhuận Công ty liên tục giảm sút bằng lần. Cuối năm 2019, An Dương Thảo Điền lãi sau thuế hơn 6 tỷ, bằng phân nửa năm 2018. Thậm chí, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, Công ty lãi chưa đến 1 tỷ đồng, chỉ mới thực hiện được hơn 7,5% kế hoạch đã đề ra. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm hơn 95 tỷ, trong khi cùng kỳ dương gần 43 tỷ đồng.

Những tín hiệu kém khả quan tiếp diễn khiến cổ đông liên tục chất vấn hiệu quả về những khoản đầu tư cũng như chiến lược kinh doanh tại ĐHĐCĐ thường niên 2020. Nói về nguyên nhân lợi nhuận thấp, lãnh đạo An Dương Thảo Điền trả lời cổ đông:

+ Với mảng kinh doanh nhà hàng khách sạn lợi nhuận thu về không cao, chủ yếu để duy trì hoạt động và chi phí tài chính.

+ Đầu tư BĐS: xuất phát từ lý do khách quan là pháp lý chậm trễ nên chưa mang lại lợi nhuận, Công ty cho biết sẽ thoái vốn tại các công ty con liên kết tại thời điểm thích hợp và phụ thuộc vào tiến độ của cơ quan ban ngành…

Với Phương Đông, An Dương Thảo Điền cho biết doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh không đáng kể. Vì đối tác sở hữu quỹ đất giá trị lớn nên An Dương Thảo Điền đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi, phát triển dự án bất động sản.

HAR muốn mua thêm 18% vốn chủ quản Xà bông Cô Ba: 3 năm lấn sân FMCGs bất thành, chuyển sang tập trung phát triển quỹ đất - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên