MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu Covid-19: Du lịch là chìa khoá giúp phục hồi nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển ngành du lịch – lữ hành tốt nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng 5,5%, theo ngay sau là Trung Đông với tốc độ tăng trưởng 5,3%.

Ngành du lịch – lữ hành dẫn đầu nền kinh tế

Trong bản Báo cáo Tác động Kinh tế (EIR) thường niên mới nhất, WTTC (Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới) cho biết năm 2019 ngành du lịch và lữ hành đã đóng góp 2.971 tỷ USD vào GDP, tương đương 9,8% nền kinh tế của toàn khu vực, đại diện cho mức tăng trưởng 5,5% so với năm 2018. Các số liệu cho thấy ngành này đang dẫn đầu nền kinh tế của toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm thứ 5 liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng 4,2%.

Đáng chú ý, tổng chi tiêu của khách quốc tế đạt 548 tỷ đô la Mỹ, chiếm 6,6% tổng xuất khẩu của khu vực.

Sự gia tăng thu nhập từ ngành du lịch được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng liên tục của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, sự thuận lợi trong việc xin thị thực, tính kết nối gia tăng và sự ưu tiên phát triển của chính phủ trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, nghiên cứu của WTTC cũng cho thấy trong 5 năm qua, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra hơn 21 triệu việc làm mới trong khu vực, chiếm 56% tổng số việc làm mới trên toàn cầu.

Đồng thời, du lịch nghỉ dưỡng chiếm phần lớn tổng chi tiêu du lịch và lữ hành (81%), và chỉ có 19% tổng chi tiêu được dành cho việc đi công tác. Báo cáo cũng cho thấy các số liệu chênh lệch khi so sánh giữa chi tiêu nội địa và quốc tế, với chi tiêu của khách nội địa chiếm 74% và chi tiêu của khách quốc tế chiếm 26% tổng chi tiêu.

Trung Quốc dẫn đầu, Việt Nam tăng trưởng nổi bật về du lịch

Năm 2019, Trung Quốc dẫn đầu khu vực về GDP và quy mô sử dụng lao động, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường châu Á lớn khác như Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Ngành du lịch và lữ hành tạo ra nhiều việc làm ở Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với gần 80 triệu việc làm, tương đương 10,3% tổng số việc làm. Năm 2019, nền kinh tế du lịch và lữ hành ở nước này tăng trưởng 9,3% và có quy mô lớn thứ hai trên thế giới. Ngành này cũng đóng góp 11,3% cho toàn nền kinh tế Trung Quốc.

Malaysia và Việt Nam cũng chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 6,6% và 7,7%. Cả hai thị trưởng này đều cho thấy một sự phân chia đồng đều giữa chi tiêu của khách nội địa (49%) và chi tiêu của khách quốc tế (51%). Phần lớn chi tiêu du lịch ở cả hai quốc gia đều áp đảo dành cho du lịch nghỉ dưỡng, trong đó khách du lịch đến Malaysia và Việt Nam lần lượt dành 86% và 90% chi tiêu cho việc nghỉ dưỡng.

Một quốc gia lân cận là Philippines cũng chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể 8,6% trong ngành du lịch – lữ hành, chiếm 25,3% toàn nền kinh tế trong nước và tạo ra hơn 10 triệu việc làm, tương đương 24,1% tổng số việc làm. Chi tiêu cho việc nghỉ dưỡng chiếm 66% tổng chi tiêu của du khách và 85% nguồn thu đến từ du khách nội địa.

Gloria Guevara, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của WTTC, cho biết: "Báo cáo EIR 2019 của WTTC cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của ngành du lịch và lữ hành đối với nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là khu vực có ngành du lịch – lữ hành tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong sự đóng góp cho GDP, và tạo ra hơn 182 triệu việc làm, chiếm 9,6% tổng số việc làm."

"Báo cáo của chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực này đối với việc thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế khu vực, tạo ra việc làm mới và đưa du khách trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng domino tích cực về kinh tế cho các nhà cung cấp lớn và nhỏ trong toàn ngành."

Cho đến lúc đó, điều quan trọng hiện giờ là tất cả các chính phủ trong khu vực cần bảo vệ ngành du lịch và lữ hành hiện đang rất khó khăn, coi đó là "xương sống" của nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có tới 75 triệu việc làm trên thế giới đang trong tình trạng nguy cấp, trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có hơn 48 triệu việc làm. Điều này để nhấn mạnh ngành du lịch-lữ hành đang cần sự hỗ trợ cấp thiết như thế nào."

Trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng theo năm của ngành du lịch và lữ hành đạt 3,5%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu (2,5%) trong năm thứ 9 liên tiếp. Đây là ngành có thứ bậc cao thứ ba thế giới tính về tốc độ tăng trưởng GDP.

Báo cáo EIR cho thấy cứ 10 người thì có 1 người làm trong ngành du lịch – lữ hành, tương đương 330 triệu việc làm. Ngành này cũng đóng góp 10,3% vào GDP thế giới và tạo ra 1 trên 4 việc làm mới.

Một phân tích chi tiết của WTTC cho thấy Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển ngành du lịch – lữ hành tốt nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng 5,5%, theo ngay sau là Trung Đông với tốc độ tăng trưởng 5,3%. Cả Mỹ và EU đều cho thấy tốc độ tăng trưởng ổn định 2,3%, trong khi quốc gia tăng trưởng nhanh nhất là Ả Rập Xê Út với tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Hậu Covid-19: Du lịch là chìa khoá giúp phục hồi nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Cẩm Lan

TTG Asia Media

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên