MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Heo, bò, gà: Những “nạn nhân” tiếp theo của Covid-19 ở Mỹ?

29-04-2020 - 19:46 PM | Tài chính quốc tế

Nông dân và các chủ trang trại ở Mỹ đang “thấm đòn” Covid-19 khi hàng loạt nhà máy thịt đóng cửa và các nhà máy chế biến sữa ngừng hoạt động, nhiều người nông dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu huỷ sản phẩm chăn nuôi của mình.


"Điều tồi tệ là mọi thứ diễn ra khi chúng ta tưởng rằng cuộc sống đang quay trở lại bình thường. Sau 4 năm giá sữa giảm liên tục, những con số gần đây đã cho thấy dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Thế nhưng, Covid-19 đã tấn công nước Mỹ và quật ngã tất cả", Amanda Stone – Tiến sĩ tại Đại học bang Mississippi đồng thời là một chuyên gia khuyến nông thường xuyên làm việc với những người chăn nuôi bò sữa tại bang Mississippi và các vùng lân cận, chia sẻ trên Forbes.

"Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác mất mát khi người nông dân chăn nuôi bò sữa gần như đã thoát khỏi 4 năm đen tối và cuối cùng đã nhìn thấy một chút ánh sáng le lói phía cuối đường hầm thì bỗng nhiên mọi thứ lại sụp đổ. Nỗi đau tâm lý và tinh thần mới chính là thứ tổn thất lớn nhất mà Covid-19 gây ra. Và tổn thất đó không ai có thể đo đếm được", chuyên gia khuyến nông này nhấn mạnh.

Trong khi một số nông dân chăn nuôi bò sữa quyết định quyên góp sữa bò của họ cho các ngân hàng thực phẩm, thì nhiều thành viên khác của hợp tác xã nông dân lại đứng trước quyết định khó khăn hơn do thiếu thiết bị thanh trùng và chế biến sữa tươi – yếu tố không thể thiếu nếu muốn bán sữa nguyên chất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia khuyến nông Stone, ngay cả khi những người nông dân được trang bị đầy đủ thiết bị thanh trùng cần thiết, họ cũng cần trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt rồi mới có thể bán sữa tươi. Như vậy, giải pháp này không hề có ý nghĩa về mặt kinh tế.

Không chỉ riêng bò, những người chăn nuôi lợn và gà cũng đang phải đối mặt với quyết định khó khăn tương tự. Chuỗi thực phẩm Allen Harim có trụ sở đặt tại Delaware vào ngày 9/4 vừa đưa ra thông báo cắt giảm sản lượng tiêu thụ tới 2 triệu con gà. Trong khi đó, các nhà máy chế biến gà ở Salisbury và Maryland không làm điều tương tự nhưng việc có tiếp tục duy trì hợp đồng với nông dân chăn nuôi hay không còn "phụ thuộc vào việc các nhà máy còn mở cửa hay không".

Lance Schiele – một chủ nông trại chăn nuôi lợn tại Iowa chia sẻ trên Twitter rằng: "1.250 chú heo con của nông trại sẽ phải bốc hơi trong tuần này". Nhiều nông dân khác cũng chia sẻ những quyết định "đau lòng" đối với sản phẩm chăn nuôi của mình trên trang Facebook của Hội nông dân Mỹ.

Carolyn Olson, một chủ trang trại chăn nuôi lợn theo hợp đồng ở bang Minnesota, mô tả những gì đang diễn ra đối với ngành chăn nuôi Mỹ "không còn đẹp đẽ nữa". "Cho đến khi tình hình này được cải thiện, chúng tôi không thể giữ chúng lại và tự giết mổ được bởi thiếu các thiết bị giết mổ hiện đại. Chưa kể những chú heo con mới sinh cũng không có chỗ để nuôi và chăm sóc nên buộc lòng chúng tôi phải cho đi", bà nói.

"Chúng tôi vẫn đang cố gắng để duy trì từng chút, từng chút một, nhưng vẫn cần một nơi nào đó để cho những chú heo con mới sinh ra đi. Công suất sản xuất của các nhà máy lớn trong bang như Tyson, JBS và Smithfield đều giảm chậm lại khi họ buộc lòng phải cho nhân viên làm luân phiên theo ca vì lo ngại sự lây lan của virus. Hành động này là cần thiết nhưng tất nhiên tất cả chúng tôi đều đang phải gánh chịu hậu quả", bà Olson cho biết.

Những người nông dân đang phải vật lộn không biết nên làm thế nào với sản phẩm của mình: đổ bỏ đi hay bán phá giá; vì vậy nhiều người lựa chọn quyên góp cho ngân hàng thực phẩm và ủng hộ chống Covid-19 để giảm thiểu mất mát. Tuy nhiên, điều này không dễ đối với những người chăn nuôi lợn bởi thịt lợn cần phải được sơ chế và kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi quyên tặng cho ngân hàng thực phẩm.

Những người chăn nuôi bò sữa cũng đứng trước lựa chọn có nên vắt cạn sữa bò và không cho chúng ăn nữa để ngừng quá trình tiết sữa, nhưng đổi lại những con bò sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người nông dân chỉ ở nhà, cho bò ăn và chăm sóc chúng mà không mang lại bất cứ một khoản thu nhập nào.

Bên cạnh đó, người nông dân chăn nuôi bò còn có một lựa chọn dài hạn khác là chuyển hoạt động từ lấy sữa tươi sang sản xuất sữa bột. "Tuy nhiên, khi cơn khủng hoảng Covid-19 đi qua, thị trường sữa bột có thể không phát triển mạnh được như sữa tươi", chuyên gia khuyến nông Amanda Stone bày tỏ lo ngại.

Trong bối cảnh hiện tại, các nông trại có đủ khả năng sản xuất và chế biến thịt trực tiếp, đồng thời bán ra thị trường cho người tiêu dùng sẽ nắm được ưu thế tuyệt đối. Tuy nhiên, việc này cũng không hề đơn giản bởi người dân không muốn lái xe từ trung tâm thành phố tới các nông trại xa xôi để mua thịt hoặc họ phải ở nhà để tuân thủ luật cách ly. Điều đó buộc các chủ trang trại phải tăng cường vận chuyển sản phẩm của mình đi các nơi và nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng cao hơn.

Dal Groom, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội chế biến thịt lợn Iowa cho biết những người nông dân chăn nuôi lợn đang làm hết sức có thể để tránh viễn cảnh tồi tệ trên. "Một số người tìm cách nới rộng không gian chăn nuôi lợn, một số khác thay đổi chế độ ăn của những chú lợn hoặc bán chúng cho những nông dân khác có đủ khả năng lưu trữ hay các nhà máy chế biến thịt cho ngân hàng thực phẩm", bà nói.

Tuy nhiên, vị giám đốc truyền thông này cũng nhấn mạnh, viễn cảnh sắp xảy ra với gần 6.000 hộ nông dân nuôi lợn ở Iowa nói riêng và ngành chăn nuôi trên toàn nước Mỹ nói chung có thể sẽ còn "tăm tối hơn rất nhiều".

Hà My

Trở lên trên