MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu quả của những lần nước Mỹ áp thuế với hàng nhập khẩu ra sao?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xây một bức tường thuế quan bao quanh nền kinh tế trong nước, nỗ lực bảo vệ những việc làm của người dân bằng cách giới hạn hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, trong lịch sử nền kinh tế Mỹ, việc làm này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi.

Tổng thống Trump đã tuyên bố vào đầu tuần rằng nước Mỹ sẽ áp thuế suất 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 24/9 tới, vượt mức 50 tỷ USD giá trị hàng hóa mà ông đã đánh thuế trước đó.

Mức thuế suất mới đánh mạnh vào nhiều sản phẩm tiêu dùng mà người Mỹ sử dụng hàng ngày, như thực phẩm, hàng may mặc và đồ điện tử. Ông này còn đe dọa sẽ tiếp tục mạnh tay hơn nữa, sẵn sàng đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh có động thái đáp trả.

Không chỉ áp dụng với Trung Quốc, ông Trump còn đánh thuế vào mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ hầu hết các nước, đồng thời đe dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu đối với xe hơi và phụ tùng xe hơi.

Obama đánh thuế lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc

Năm 2009, những công ty sản xuất lốp xe tại Mỹ thuyết phục chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama áp thuế đối với mặt hàng lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc một cách cứng rắn. Tuy nhiên các công ty Trung Quốc vẫn không ngừng việc sản xuất mặt hàng này. Để đối phó với hành động trên của Mỹ, họ đơn giản chỉ di dời nhà máy sản xuất của mình sang địa điểm khác, bao gồm cả Mỹ.

Hiệu quả của những lần nước Mỹ áp thuế với hàng nhập khẩu ra sao? - Ảnh 1.

Giti, một trong những hãng sản xuất lốp xe lớn nhất Trung Quốc đã xây dựng nhà máy tại Nam Carolina để giảm chi phí cung cấp lốp xe cho Walmart. Hai công ty Trung Quốc trong ngành này cũng xây nhà máy ở những bang lân cận như Georgia và Bắc Carolina. Tính đến năm nay đã có 4 công ty sản xuất lốp xe Trung Quốc có nhà máy tại Hoa Kỳ.

Một nghiên cứu về tác động của việc đánh thuế lốp xe đã chỉ ra: trong vòng một năm, người Mỹ đã phải chi thêm 1,1 tỷ USD cho lốp xe.

Bush đánh thuế thép nhập khẩu

Mức thuế nhập khẩu lên đến 30% đánh vào mặt hàng thép được áp dụng vào năm 2002 bởi Tổng thống George W. Bush cũng mang lại những hệ quả tương tự, tác động tiêu cực tới không chỉ người tiêu dùng mà còn tới các công ty sử dụng thép làm nguyên vật liệu sản xuất, như công ty xây dựng và chế tạo ô tô.

Hiệu quả của những lần nước Mỹ áp thuế với hàng nhập khẩu ra sao? - Ảnh 2.

Chính sách này đã làm hạn chế việc làm trong ngành công nghiệp thép của Mỹ, thúc đẩy gia công ở nước ngoài và làm tổn thương các ngành công nghiệp liên quan. Chuyên gia kinh tế Douglas Irwin của Đại học Dartmouth ước tính có khoảng 140.000 công nhân Mỹ làm trong ngành thép, trong khi số lượng công nhân chế tạo sản phẩm làm từ thép là 6,5 triệu người. Điều đó chứng tỏ phạm vi ảnh hưởng khi thay đổi chính sách liên quan đến ngành này là vô cùng to lớn.

Nixon và scandal chính trị

Chính sách thuế của Nixon năm 1971 cũng để lại dấu ấn trong những năm ông này làm Tổng thống Mỹ, nhưng lại là dấu ấn không hề tốt đẹp. Ông phản bội lại thỏa thuận Bretton Woods và đánh thuế phụ vào tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Nền kinh tế thế giới đã chịu một cú sốc lớn, đặc biệt là "những người bạn đáng tin cậy" của Mỹ trong việc vượt qua cuộc chiến tranh gian nan tại Việt Nam tỏ ra hết sức tức giận.

Tuy nhiên, cái duy nhất Nixon – một người được cho là hiểu biết khá hẹp hòi về kinh tế, quan tâm là cuộc bầu cử năm 1972. Chính sách trên đã buộc Mỹ phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và gia tăng các khoản thanh toán an sinh xã hội trong năm sau đó. Nó không chỉ để lại một scandal chính trị tồi tệ thời kỳ đó, mà còn gây ra lạm phát ở mức cao nhất cả thập kỷ.

Thuỳ Linh

The New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên