Hoa Kỳ dự định tiếp tục áp thuế với hàng Việt Nam, Bộ Công Thương nói gì?
Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đơn phương đẩy nhanh tiến trình áp đặt trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến hoạt động trao đổi thương mại nói riêng, và tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước nói chung.
Liên quan đến thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang chuẩn bị tiếp tục áp thuế lên hàng hóa của Việt Nam từ tháng 12 dựa trên cáo buộc Việt Nam định giá thấp tiền đồng, Bộ Công Thương cho hay, đã nhận được thông tin về việc này.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam rất lấy làm tiếc trước quyết định ngày 2/10/2020 của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) khởi xướng điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với vấn đề tiền tệ và gỗ của Việt Nam vào thời điểm mà mối quan hệ hợp tác ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại đang diễn ra hết sức tốt đẹp.
“Ngay khi USTR quyết định khởi xướng điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cập nhật tình hình và kiến nghị phương án tổng thế xử lý vụ việc. Việt Nam cũng đã thông báo với phía Hoa Kỳ việc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ trong quá trình điều tra và thành lập các nhóm công tác để làm việc với các đối tác liên quan của Hoa Kỳ”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Bộ Công Thương cũng cho biết, nhóm công tác do Ngân hàng Nhà nước chủ trì dự kiến sẽ tiến hành Tham vấn song phương với phía Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/2020, theo thống nhất của hai bên.
Vào thời điểm này, việc tăng cường đối thoại giữa hai bên là hết sức quan trọng. Việt Nam mong rằng phía Hoa Kỳ sẽ khách quan trong quá trình điều tra về chính sách và thực tiễn quản lý của Việt Nam, tránh để ảnh hưởng lớn đến tổng thể mối quan hệ, các nỗ lực hợp tác của hai bên, cũng như doanh nghiệp hai nước.
“Trong thời gian vừa qua rất nhiều Hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân có uy tín trong chính giới, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc điều tra và mọi ý định áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam nếu có vì điều này hoàn toàn đi ngược lợi ích của quốc gia và doanh nghiệp và người dân hai nước”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo đó, trong trường hợp USTR đơn phương đẩy nhanh tiến trình áp đặt trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến hoạt động trao đổi thương mại nói riêng, và tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước nói chung. Những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ chính là cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng của cả hai nước.
Từ phía Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ mất lòng tin, không còn yên tâm khi làm ăn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, từ đó có thể dẫn tới giảm nhập khẩu các nguyên vật liệu và công nghệ đầu vào từ Hoa Kỳ, làm đảo ngược xu thế tăng trưởng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vốn đang trở nên rất mạnh mẽ trong vài năm gần đây.
Tiền Phong