MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoán đổi năm đóng BHXH thừa để nghỉ hưu sớm

Trước thực tế nhiều người lao động thừa năm đóng BHXH nhưng lai thiếu tuổi nghỉ hưu, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở đề xuất người lao động được hoán đổi số năm đóng thừa để nghỉ hưu trước tuổi

Tại các hội thảo góp ý Luật BHXH (sửa đổi), cán bộ Công đoàn chỉ ra thực trạng nhiều công nhân (CN) đi làm khi tuổi đời còn rất trẻ, đã thừa năm đóng BHXH để được hưởng 75% nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu nên khi về hưu sớm họ phải nhận mức lương hưu thấp. Từ thực tế này, có ý kiến đề xuất hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu để người lao động (NLĐ) có thể nghỉ hưu sớm.

Khó chờ đến tuổi hưu

Theo ghi nhận của chúng tôi, trường hợp thừa năm đóng BHXH nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu rất nhiều, nhất là từ khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019. 

"Trước đây, nếu NLĐ nghỉ hưu sớm, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị giảm 1% tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng. Còn quy định hiện nay, mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ 2%. Trong khi đó, số năm đóng BHXH lại tăng lên 5 năm, như vậy rất thiệt thòi cho NLĐ" - ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), bày tỏ.

Làm việc cho một công ty may trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP HCM, đến nay, bà Trần Thị Đoan Trang (52 tuổi) đã tham gia BHXH được hơn 29 năm. Chỉ vài tháng nữa, bà đã đóng đủ 30 năm để đạt tỉ lệ lương hưu tối đa nhưng do tuổi hưu tăng nên phải chờ khoảng 5 năm nữa mới được nghỉ hưu. Bà Trang mong muốn được về hưu sớm hơn quy định và được hoán đổi thời gian đóng BHXH dôi ra với tuổi nghỉ hưu.

Người lao động mong được hoán đổi thời gian đóng dư BHXH với tuổi nghỉ hưu để tiếp cận lương hưu sớm hơn Ảnh: HỒNG ĐÀO

Người lao động mong được hoán đổi thời gian đóng dư BHXH với tuổi nghỉ hưu để tiếp cận lương hưu sớm hơn Ảnh: HỒNG ĐÀO

Điều khiến bà Trang lo lắng là do thời gian dài ngồi máy may khiến sức khỏe giảm sút, năng suất cũng giảm dần, thu nhập không còn được như trước. Vì vậy, bà mong muốn nghỉ hưu sớm khi được 55 tuổi (tức 3 năm nữa), khi đó có lương hưu, bà có thể chuyển sang làm việc thời vụ tại công ty (nếu được tạo điều kiện). 

"Tuổi hưu tăng khiến quá trình lao động kéo dài, đến lúc được nghỉ thì sức khỏe đã cạn kiệt, mới 52 tuổi mà thị lực của tôi đã suy giảm, lại hay bị đau lưng. Nhưng nghỉ việc khi chưa tới tuổi hưu thì không biết lấy tiền đâu để sống trong thời gian chờ hưởng lương hưu" - bà Trang bày tỏ.

Là CN tại một công ty may mặc tại quận Bình Tân, TP HCM, bà Nguyễn Thị Hiếu (48 tuổi, quê Trà Vinh), đi làm từ năm 18 tuổi, đã tham gia BHXH được gần 30 năm. Nhẩm tính phải đến 12 năm mới được nghỉ hưu, bà Hiếu ngán ngẩm. "Từ 45 tuổi, dấu hiệu tuổi tác đã bắt đầu xuất hiện, lại trải qua 2 lần sinh nở rồi thêm nhiễm COVID-19, sức khỏe tôi hiện giảm sút đáng kể. Tôi mong đi làm thêm 7 năm nữa là có thể nghỉ hưu".

Khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), ủng hộ đề xuất hoán đổi thời gian đóng BHXH với tuổi nghỉ hưu trong trường hợp thời gian tham gia BHXH đã vượt trần trong lúc tuổi nghỉ hưu chưa đủ so với quy định của pháp luật. "Đây là mong muốn rất chính đáng và thực tiễn, cần được nghiên cứu, xem xét nhưng trong quá trình sửa đổi Luật BHXH - ông Quảng nói.

Theo quy định hiện hành, thời gian tham gia BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa (75%) với lao động nam là 35 năm, với nữ là 30 năm. Nếu thời gian tham gia BHXH vượt mốc số năm này thì khi nghỉ hưu, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng dư. Trong khi đó, nếu NLĐ muốn nghỉ hưu trước tuổi quy định thì mỗi năm nghỉ sớm sẽ bị trừ 2%. 

Hầu hết NLĐ làm việc ở khâu sản xuất trực tiếp thường nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động, phải bị trừ phần trăm nên hưởng mức lương hưu thấp. Do vậy, việc hoán đổi sẽ góp phần cải thiện lương hưu, giúp NLĐ hưởng chế độ hưu trí sớm hơn, giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh.

Đồng tình với đề xuất này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng khi quy định độ tuổi nghỉ hưu và số năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa, các nhà làm luật đã có tính toán để số thu đủ bù chi. Hơn nữa, những người có phát sinh năm đóng thừa là những người tham gia, đóng góp vào quỹ BHXH lâu dài, nên cần có chính sách khuyến khích thỏa đáng. 

Tuy nhiên, với mức trợ cấp hưu trí một lần 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng dư, chưa bằng mức hưởng BHXH một lần (1,5 - 2 tháng lương) của những người đóng BHXH chưa đủ 20 năm là bất hợp lý và dễ khiến NLĐ đi đến quyết định rút BHXH một lần vì cho rằng có lợi hơn. Do vậy, cần xem xét cho NLĐ, nhất là những CN trực tiếp sản xuất có tuổi nghề ngắn, được hoán đổi thời gian đóng thừa nhằm được tiếp cận lương hưu sớm hơn để bảo đảm an sinh. "Trường hợp không thể hoán đổi thì nâng mức trợ cấp hưu trí một lần lên mức 2 tháng lương cho mỗi năm đóng thừa" - ông Triều đề xuất. 

Luật sư ĐẶNG ANH ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Nguyện vọng chính đáng

Hiện nay, tuổi nghỉ hưu đang được nâng lên theo lộ trình nam 62, nữ 60 tuổi. Trong bối cảnh nhiều NLĐ bước vào tuổi lao động rất sớm nên vượt mốc để hưởng lương hưu tối đa (nữ 30 năm và nam 35 năm tham gia BHXH) nhưng tuổi đời lại chưa đủ. Do vậy, đề xuất hoán đổi số năm đóng BHXH thừa với tuổi nghỉ hưu trong trường hợp thời gian đóng BHXH đã vượt khung nhưng tuổi hưu chưa đến là hợp lý. Cơ quan soạn thảo luật cần đưa ra xem xét, đánh giá toàn diện bởi đó là nguyện vọng chính đáng của NLĐ.


Theo Nhóm Phóng Viên

Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên