MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hối hả trên công trường cầu Thủ Thiêm 2

20-04-2020 - 09:27 AM | Bất động sản

Cầu Thủ Thiêm 2 ở trung tâm TP HCM theo kế hoạch thông xe kỹ thuật cuối năm nay, kỳ vọng giảm áp lực giao thông và kích thích phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 - bắc qua sông Sài Gòn - nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TP HCM, được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TP, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông - vốn đang ngày càng quá tải.

Thi công trong mùa dịch

Chiều 16-4, trên công trường thi công phía quận 1, công nhân tất bật thi công, tại các gói thầu, máy móc, thiết bị, vật liệu..., đã được tập kết. Trong khi đó, đầu cầu phía quận 2, đường dẫn đã thảm bê-tông nhựa và nhiều hạng mục đã hoàn thiện như vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng..., đang chờ đồng bộ với hạng mục cầu chính.

Theo Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư dự án), đầu cầu phía quận 1, ngoài kết cấu mố trụ cầu hạng mục cầu dẫn nhánh chính thì kết cấu bê-tông dự ứng lực đổ trên đà giáo từ trụ AS5 đến AS9 cũng đã hoàn thành. Trong khi nhịp AS9 đến AS10 và nhịp AS3 đến AS5 tại khu vực cũng đang gấp rút thi công. Riêng đoạn cầu chính nhịp dây văng, đã hoàn thành kết cấu bê-tông dự ứng lực đổ trên đà giáo từ mố cầu S5 đến trụ tháp S2. Đồng thời, trụ tháp chính S2 giữa sông Sài Gòn đã thi công đạt 10/34 đốt trụ tháp, nhịp dầm thép băng ngang sông thi công đạt 3/17 đốt dầm và hiện đã căng bó cáp dây văng đầu tiên.

Hối hả trên công trường cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh 1.

Các hạng mục thi công phía quận 1 đang được khẩn trương thực hiện

Đại diện Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh cho biết để phòng, chống dịch Covid-19, việc thi công được tổ chức thành các nhóm lệch thời gian, tập trung vào các hạng mục chính. "Khi thi công vẫn phải bảo đảm thực hiện các biện pháp khử khuẩn, mang khẩu trang, thiết bị bảo hộ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp ở cự ly gần... Những người làm việc cũng được đo thân nhiệt và thực hiện khai báo y tế với các nhân sự, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài…" - đại diện nhà đầu tư khẳng định.

Cũng theo Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, khó khăn lớn nhất tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 vẫn là công tác giải phóng mặt bằng phía quận 1 trên đường Tôn Đức Thắng, chưa thể thi công 2 nhánh cầu dẫn N1 và N2 (mặt bằng tại khu vực này với tổng diện tích khoảng 13.000 m2, gồm 6 hộ dân và 4 tổ chức vẫn chưa được bàn giao). Cụ thể, theo thiết kế nhánh N1 sẽ chạy dọc đường Tôn Đức Thắng (đi dọc sông Sài Gòn từ quảng trường Mê Linh kết nối vào cầu chính tại trụ AS11, cho các phương tiện từ quận 1 qua quận 2). Còn nhánh N2 thiết kế chạy dọc theo cầu chính, từ trụ AS11 nối xuống đường Tôn Đức Thắng, cho các loại xe đi từ quận 2 qua quận 1.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc huy động vật tư nhập khẩu, chuyên gia, nhân sự từ nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. "Tuy nhiên, nơi nào có mặt bằng và điều kiện thi công, chúng tôi gấp rút thực hiện, đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu hợp long cầu chính vào tháng 9 và thông xe kỹ thuật cuối năm 2020" - đại diện chủ đầu tư cho biết.

Tạo đà phát triển

Hiện nay, với tốc độ phát triển đô thị tại khu Đông TP, nhu cầu đi lại không ngừng gia tăng. Nhiều trục đường chính từ khu vực trên ra vào trung tâm TP liên tục quá tải. Vì vậy, một số chuyên gia giao thông đô thị cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Thủ Thiêm 2 là thực sự cấp thiết, không chỉ giảm áp lực giao thông mà còn kích thích phát triển kinh tế, văn hóa, nhất là cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, ngoài việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, các dự án cầu Thủ Thiêm 3, 4 và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn cần đẩy nhanh nhưng trước hết phải nghiên cứu lại quy hoạch, trong đó đặc biệt tính đến vị trí tạo khả năng kết nối cũng như xác định sự cần thiết của từng khu vực để ưu tiên thực hiện. Cụ thể, với dự án cầu Thủ Thiêm 4, TP cần xem lại có cần ưu tiên hàng đầu hay không, bởi cây cầu này nối qua quận 7, trong khi hiện nay cầu Phú Mỹ dù chịu áp lực giao thông cao vẫn giữ được vai trò lớn trong đảm trách việc kết nối giữa các quận 2, 7 và khu trung tâm. Đối với dự án cầu Thủ Thiêm 3, kết nối với quận 4, khi xây dựng cũng cần xác định phải chỉnh trang đô thị ở quận này nhằm đồng bộ và kích thích cho phát triển kinh tế.

"Khi xây cầu, giá trị và lợi ích kinh tế ở 2 bên đầu cầu sẽ tăng lên, vì vậy cần có kế hoạch để kích thích sự phát triển đó. Nếu các dự án kết nối với Thủ Thiêm xây dựng đồng bộ, phù hợp theo định hướng quy hoạch thì không chỉ đóng góp rất lớn cho ngân sách TP mà còn tự kích thích sự phát triển ở khu vực này" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận.

Tổ chức lại giao thông đầu cầu phía quận 1

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, để phục vụ cho việc thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2 phía quận 1, từ ngày 25-4, tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn sẽ tổ chức lại giao thông.

Cụ thể, hướng đi thẳng từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến đường Lê Thánh Tôn tạm đóng, các phương tiện từ đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được tổ chức rẽ phải qua đường Tôn Đức Thắng, sau đó quay đầu tại điểm mở trên tuyến đường này để vòng quay lại rồi rẽ vào đường Lê Thánh Tôn. Đối với hướng rẽ trái từ đường Nguyễn Hữu Cảnh qua Tôn Đức Thắng, các phương tiện lưu thông ở phần đường mở rộng với bề ngang 9 m.

Đối với hướng rẽ trái từ đường Tôn Đức Thắng qua Nguyễn Hữu Cảnh: các loại xe sẽ quay đầu tại nhịp giữa trụ AS7 và AS8 (thuộc dự án) rồi tiếp tục chạy theo đường Tôn Đức Thắng và rẽ qua Nguyễn Hữu Cảnh. Riêng giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, tổ chức giao thông 2 pha, tức các loại xe qua lại giữa 2 tuyến đường này được phép lưu thông liên tục.

Theo Gia Minh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên