Hồi ức vụ nổ kinh hoàng ảnh hưởng đến 320.000 hộ dân: Nỗi ám ảnh của nạn nhân nhiễm xạ nặng nhất thế giới, 83 ngày "tột cùng đau đớn"
Vụ nổ không làm Ouchi tử vong ngay lập tức mà nó khiến anh phải chịu những cơn đau dày vò suốt 83 ngày.
- 16-11-2023Báo Mỹ tiết lộ tình tiết mới trong vụ nổ Nord Stream: Điện Kremlin chỉ ra điều "đáng báo động"
- 12-11-2023Báo Mỹ tiết lộ tình tiết bất ngờ trong vụ nổ đường ống Nord Stream
- 19-09-2023Dự án khổng lồ ở Thổ Nhĩ Kỳ gặp biến: "Giấc mơ" của Nga sau vụ nổ Nord Stream bị trì hoãn
- Hisashi Ouchi được đưa đến Bệnh viện Đại học Tokyo sau khi tiếp xúc với mức độ bức xạ cao nhất được ghi nhận trong y sử. Cơ thể gần như không có bạch cầu, hệ miễn dịch tê liệt hoàn toàn, ca bỏng phóng xạ nghiêm trọng đã khiến đội ngũ bác sĩ vô cùng choáng váng. Thế nhưng, đây mới là khởi đầu của chuỗi 83 ngày Ouchi "sống không bằng chết".
Vụ tai nạn xảy ra vào buổi trưa ngày 30/9/1999 tại nhà máy điện hạt nhân ở Tokaimura, tỉnh Ibaraki, phía đông bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Để đáp ứng thời hạn sản xuất, Công ty Chuyển đổi Nhiên liệu Hạt nhân Nhật Bản (JCO) đã yêu cầu 3 công nhân trộn một mẻ nhiên liệu mới trong điều kiện thiếu các biện pháp an toàn.
3 công nhân này, do yêu cầu về tiến độ đã thực hiện tắt quy trình, đổ lượng uranium gấp 7 lần so với tiêu chuẩn vào bồn chứa. Như một tất yếu, phản ứng nổ đã xảy ra.
Vụ nổ đã khiến 600 người bị nhiễm phóng xạ, chất phóng xạ xâm nhập vào khu vực dân cư gồm 320.000 hộ dân lân cận nhà máy chỉ trong một ngày sau vụ tai nạn trên.
Anh Hasashi Ouchi là một trong số 3 người công nhân thực hiện quy trình. Do đứng ngay trên miệng bồn chứa nguyên liệu khi cả căn phòng tràn ngập tia Gamma nên anh là người bị bỏng nặng nhất.
Điều đáng nói nhất đó là vụ nổ không làm Ouchi tử vong ngay lập tức mà nó khiến anh phải chịu những cơn đau dày vò suốt 83 ngày, muốn "xin được chết" nhưng không thể nói thành lời.
Sự cố kinh hoàng
Hasashi Ouchi là một kỹ thuật viên điện hạt nhân sinh năm 1965. Anh bắt đầu làm việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vào thời điểm được xem là quan trọng đối với Nhật Bản. Với lượng tài nguyên thiên nhiên ít ỏi và sự phụ thuộc tốn kém vào năng lượng nhập khẩu, Nhật Bản đã chuyển sang sản xuất điện hạt nhân.
Tokaimura là một trong những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản, được đặt tại tỉnh Ibaraki, phía đông bắc Tokyo. Do có tài nguyên đất đai dồi dào, toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân, viện nghiên cứu, cơ sở làm giàu nhiên liệu và cơ sở xử lý chất thải của nhà máy nhanh chóng được xây dựng.
Tokaimura được xây dựng đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Ước tính, một phần ba dân số tỉnh Ibaraki đã dựa vào ngành điện hạt nhân để kiếm sống.
Tai nạn đầu tiên ở Tokaimura xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 1997, người dân địa phương đã kinh hãi chứng kiến vụ nổ của lò phản ứng điện làm rung chuyển một khu vực rộng lớn.
Tai nạn tiếp theo xảy ra vào năm 1999 và đó cũng là tai nạn thảm khốc đưa Tokaimura vào danh sách "đen" của lịch sử.
Theo nguyên tắc vận hành, các lò hạt nhân của nhà máy này có chức năng chuyển đổi uranium hexafluoride thành uranium được làm giàu cho mục đích năng lượng hạt nhân. Điều này thông thường sẽ được thực hiện bằng một quy trình gồm nhiều bước vô cùng khắt khe, trong đó bao gồm việc trộn nhiều loại nguyên liệu theo một trình tự được tính toán cẩn thận về mặt thời gian.
Sau đó nhà máy bắt đầu tiến hành thử nghiệm xem liệu việc bỏ qua một số bước trong quy trình đó có thể làm rút ngắn thời gian sản xuất hay không. Nhưng cuộc thử nghiệm đã khiến họ không đáp ứng được thời hạn sản xuất vào ngày 28/9.
Vì vậy, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng 9, Hisashi Ouchi cùng 2 đồng đồng nghiệp khác là Masato Shinohara, 29 tuổi và Yutaka Yokokawa, 54 tuổi đã được giao nhiệm vụ đi tắt quy trình để kịp đơn hàng này mặc dù thử nghiệm chưa kết thúc và chưa cho ra kết quả.
Tuy nhiên, không ai trong số họ biết mình đang làm gì. Thay vì sử dụng máy bơm tự động để trộn 5,3 pound (tương đương 2,4 kg) uranium đã làm giàu với axit nitric trong một bồn chứa được chỉ định, 3 công nhân này đã dùng tay để đổ 35 pound (tương đương với 15,8 kg) uranium, gấp 7 lần so với tiêu chuẩn, vào thùng thép.
Vào lúc 10h35' sáng, lượng uranium đó đạt khối lượng tới hạn. Luồng ánh sáng màu xanh chói mắt tràn ngập căn phòng, cho thấy phản ứng hạt nhân đã xảy ra và đang giải phóng bức xạ chết người.
Toàn bộ nhà máy ngay lập tức đã được sơ tán, riêng Hisashi Ouchi và 2 đồng nghiệp của anh được đưa đến Viện Khoa học X quang Quốc gia ở Chiba do cả 3 đều đã tiếp xúc trực tiếp với bức xạ với mức độ khác nhau.
Thông thường, 7 Sieverts là mức phóng xạ tiếp xúc sẽ gây ra tử vong. Anh Yutaka Yokokawa đã nhiễm xạ ở mức 3 Sievert, do đó là người duy nhất trong nhóm sống sót. Masato Shinohara tiếp xúc với 10 Sievert, tử vong sau 7 tháng nằm viện, và Hisashi Ouchi, người đứng trực tiếp trên miêng bồn chứa, tiếp xúc với 17 Sievert, mức độ phóng xạ lớn nhất mà lịch sử y khoa ghi nhận.
Những ngày đau đớn
Với mức độ này, cơ thể Ouchi ngay lập tức phải chịu đựng những cơn đau ập đến và hầu như không thể thở được. Anh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nôn mửa dữ dội và bất tỉnh sau đó. Vết bỏng phóng xạ của Ouchi bao phủ toàn bộ cơ thể và mắt đã rỉ máu.
Điều khủng khiếp nhất là tình trạng thiếu tế bào bạch cầu và không có phản ứng miễn dịch. Các bác sĩ đã đưa Ouchi vào phòng bệnh đặc biệt để ngăn ngừa nhiễm trùng và đánh giá tổn thương các cơ quan nội tạng. 3 ngày sau, anh được chuyển đến Bệnh viện Đại học Tokyo để thực hiện biện pháp cứu chữa cuối cùng là cấy ghép tế bào gốc.
Tuần đầu tiên, Ouchi được chăm sóc đặc biệt với việc tiến hành vô số ca ghép da và truyền máu. Sau đó, chuyên gia cấy ghép tế bào Hisamura Hirai đã đề xuất một phương pháp mang tính cách mạng chưa từng được thử nghiệm trên các nạn nhân bị phóng xạ trước đây đó là cấy ghép tế bào gốc với hi vọng sẽ nhanh chóng khôi phục khả năng tạo ra máu mới của Ouchi.
Cách tiếp cận này sẽ cho hiệu quả nhanh hơn nhiều so với việc cấy ghép tủy xương và chị gái của Ouchi sẽ là người hiến tế bào gốc cho em trai. Thế nhưng, phương pháp này lại không phát huy tác dụng kịp thời để cứu anh khỏi trạng thái cận kề cái chết.
Những bức ảnh chụp nhiễm sắc thể của Ouchi cho thấy chúng đã bị suy giảm hoàn toàn. Lượng phóng xạ lớn xâm nhập vào máu đã tiêu diệt các tế bào được đưa vào, những mảnh da ghép không thể giữ được vì DNA của anh không thể tự tái tạo. "Tôi không thể chịu đựng được nữa", Ouchi kêu lên đau đớn. "Tôi không phải chuột lang".
Thế nhưng, trước sự nài nỉ của gia đình Ouchi, các bác sĩ vẫn tiếp tục các phương pháp điều trị thử nghiệm ngay cả khi da của anh bắt đầu mục rữa trên cơ thể. Sau đó, vào ngày thứ 59 Ouchi nằm viện, chỉ trong vòng 1 giờ, anh đã trải qua 3 cơn đau tim. Cứ mỗi lần như vậy, các bác sĩ phải tiến hành hồi sức tích cực để ngăn Ouchi khỏi cái chết theo yêu cầu khẩn thiết từ phía gia đình.
Mặc mọi nỗ lực của đội ngũ bác sĩ và hi vọng của người thân, số phận của Ouchi đã được định đoạt khi không còn tìm thấy dấu vết của DNA và tổn thương não ngày càng tăng. Ngày 21/12/1999, sau 83 ngày chiến đấu với cơn đau, Ouchi rơi vào trạng thái suy đa tạng. Cơn đau tim cuối cùng đã giải thoát anh khỏi mọi đau đớn.
Ngay sau vụ tai nạn hạt nhân xảy ra, 310.000 cư dân trong phạm vi 6 dặm quanh nhà máy Tokai đã được lệnh ở trong nhà trong 24 giờ. Trong 10 ngày tiếp theo, 10.000 người đã được kiểm tra mức độ phóng xạ, kết quả là hơn 600 người bị nhiễm phóng xạ ở mức độ thấp.
Nhà máy điện hạt nhân Tokaimura tiếp tục hoạt động trong hơn một thập kỷ sau sự cố nhưng do công ty khác điều hành. Năm 2011, nhà máy đóng cửa vì thảm họa động đất, sóng thần Tohoku và chưa mở cửa trở lại cho đến tận ngày nay.
Nguồn: ATI
Phụ nữ mới