MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử được số hóa, làm sạch dữ liệu

10-05-2024 - 10:02 AM | Kinh tế số

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an và ngành Ngân hàng đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại.

Hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử được số hóa, làm sạch dữ liệu- Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024”.

Phát biểu tại Sự kiện “Ngày chuyển đối số ngành Ngân hàng năm 2024” diễn ra ngày 8/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) khẳng định, lực lượng Công an sẵn sàng cùng với ngành Ngân hàng trong công tác chuyển đổi số để tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Từng bước loại bỏ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, Bộ Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu; 86 triệu thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử; kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản định danh điện tử.

Bộ Công an và các bộ, ngành đã thực hiện đồng bộ, tích hợp thành công 20 triệu giấy tờ bảo hiểm y tế; 20 triệu giấy phép lái xe; 8 triệu đăng ký xe. Hiện có 46 đơn vị đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai (36 địa phương và 10 bộ, cơ quan ngang bộ) với 57 trang web, ứng dụng. Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các cổng dịch vụ công đến nay là 11.645.068, số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục thuế là 941.045 lượt…

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, tiếp nhận 1.534.864.111 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; 600.009.022 yêu cầu đồng bộ thông tin, đồng bộ thành công 269.247.289 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư. Với những kết quả nổi bật như trên, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã trở thành "trái tim" của chuyển đổi số.

Về sự phối hợp giữa ngành Ngân hàng và lực lượng Công an, lãnh đạo ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp Bộ Công an, xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN để ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, với 11 nhiệm vụ trọng tâm và 35 nhiệm vụ cụ thể.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch đã triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Trong đó, đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.

Ngành Ngân hàng đã ứng dụng giải pháp xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip sớm, nhanh và phổ cập nhất. Đến nay, đã sử dụng và đưa vào nghiệp vụ lõi để định danh một cách an toàn, hiệu quả với 1,5 triệu lượt sử dụng dịch vụ. Trung bình mỗi tháng từ 300 - 500 nghìn lượt (tăng trưởng 30% hàng tháng). Chất lượng và trải nghiệm dịch vụ đã đọc và xác thực thành công với các thiết bị đầu đọc chưa đến 2 giây, và trên điện thoại từ 3 - 5 giây.

“Với giải pháp này, tôi tin tưởng rằng sẽ từng bước thay thế hoàn toàn các giải pháp truyền thống như trước đây và loại bỏ hoàn toàn các điều kiện để tội phạm lợi dụng phạm tội, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID) cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài và đang tập trung hoàn thiện các vấn đề về pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn bảo mật để cung cấp dịch vụ xác thực, các tiện ích thông minh cho các bộ, ngành, địa phương. Ứng dụng VNeID cho phép xác thực công dân trên môi trường số một cách an toàn, trong đó ngành Ngân hàng là một lĩnh vực mà người dân sẽ được thụ hưởng nhiều tiện ích nhất trên VNeID.

Hoàn thành số hóa, làm sạch dữ liệu với hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn và đã trở thành những điểm nghẽn cần được khẩn trương tháo gỡ, như sự vào cuộc của các bộ, ngành là chưa thật sự đồng đều, chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, một số điểm nghẽn về pháp lý, kinh phí, số hóa dữ liệu... của các bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển động rõ nét.

Riêng đối với ngành Ngân hàng, việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống trong triển khai các dịch vụ hoàn toàn trên môi trường điện tử là một thách thức không nhỏ khi hạ tầng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa dự báo, xây dựng các phương án bảo vệ hệ thống, dữ liệu trước nguy cơ tấn công ngày càng gia tăng như thời gian vừa qua đối với các hệ thống lớn (chứng khoán, dầu khí...).

Chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông... trong việc giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng, người dân, doanh nghiệp...

Trước những hạn chế trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chỉ thị 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, nhất là, vai trò thanh toán trong thượng mại điện tử, kiểm soát, giám sát các giao dịch phục vụ quản lý, truy thu thuế, quản lý tài sản số, tiền ảo, tiền điện tử hiện nay đang rất phát triển - là một phương thức của hoạt động "rửa tiền", chuyển tiền xuyên biên giới.

Các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng phối hợp với Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện định danh và xác thực điện tử; nhất quán trong việc đăng ký kinh doanh mới, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu người nộp thuế hiện hành; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử; định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trong việc triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng nhằm phòng ngừa các hành vi gian lận hóa đơn, chống thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ.

Về phía ngành Ngân hàng, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện Đề án riêng của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ thành công chung của Đề án 06; khẩn trương chỉ đạo các đơn vị hoàn thành số hóa, làm sạch dữ liệu với hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử (mới làm sạch được khoảng 5,5 triệu/170 triệu), phục vụ xác thực, kết nối, khai thác với dữ liệu "gốc" là dữ liệu về dân cư, căn cước, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt... gắn với dữ liệu viễn thông, thuế, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số được tạo lập thống nhất giữa các bộ, ngành phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế.

Cùng với đó, về hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các hệ thống lớn liên tục bị tấn công, rủi ro về tài chính là vấn đề rất nghiêm trọng đối với việc phát triển kinh tế tại các quốc gia.

Đồng thời, đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc triển khai cho vay tín chấp qua chấm điểm tín dụng công dân, hiện nay mới chỉ có 2 đơn vị tổ chức tín dụng, tài chính áp dụng kết hợp giải ngân 550 trường hợp với vay tín chấp khoảng 2,5 tỷ đồng, như vậy là chưa thực sự tương xứng với nhu cầu vay trong nhân dân là rất lớn. Nếu không làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vay "tín dụng đen" ngày càng phát triển...

Theo P.Mai

Vnmedia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên