Hơn 27 triệu cổ phiếu từng liên quan đại gia Nhân Louis rời sàn từ hôm nay
Hơn 27 triệu cổ phiếu TGG của Công ty CP The Golden Group, từng có liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Louis Holdings - sẽ hủy niêm yết trên sàn HoSE từ hôm nay (18/12), do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
- 30-11-2023Hủy niêm yết cổ phiếu liên quan ông Nhân Louis, shark Thuỷ
- 24-04-2023Chứng khoán ảm đạm, hủy niêm yết cổ phiếu bị ông Nhân ‘Louis’ thao túng
- 28-02-2023Sau "biến cố Đỗ Thành Nhân", Louis Capital (TGG) muốn đổi tên công ty, miễn nhiệm toàn bộ ban lãnh đạo
Tuần này, có 18 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức và tất cả đều chi trả bằng tiền mặt. Trong đó, 8 doanh nghiệp trả cổ tức trên 20% và mức cao nhất lên đến 90%.
Lý do cổ phiếu bị hủy niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa ban hành quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty CP The Golden Group (mã chứng khoán: TGG).
Theo đó, hơn 27 triệu cổ phiếu TGG , tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá xấp xỉ 273 tỷ đồng sẽ hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 18/12. Lý do: Tổ chức niêm yết này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu TGG tại HoSE là 15/9.
Trước đó, HoSE đã có quyết định đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu TGG từ ngày 18/9 do công ty vi phạm các quy định về công bố thông tin liên quan đến việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023.
Công ty CP The Golden Group tiền thân là Công ty CP Louis Capital. Cổ phiếu TGG là một hiện tượng của thị trường vào năm 2021 khi thuộc hệ sinh thái Louis Holdings, đã được “thổi giá” từ mức 1.200 đồng/cổ phiếu lên mức 74.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 61 lần. Sau đó, cổ phiếu TGG đã rơi thẳng đứng cùng hàng loạt mã khác trong hệ sinh thái Louis và đang giao dịch dưới mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu trong hơn 1 năm qua.
Hồi giữa tháng 5, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thành Nhân mức án 5 năm 6 tháng tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Về dân sự, tòa buộc bị cáo Đỗ Thành Nhân phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính để sung công quỹ Nhà nước.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án bán gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ với mục đích bổ sung vốn kinh doanh. Đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà Eximbank đang nắm giữ, được mua từ ngày 2 - 16/1/2014.
Eximbank dự kiến sẽ giao dịch bán cổ phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 với phương thức được lựa chọn là khớp lệnh trên HoSE. Số lượng đặt bán mỗi ngày là từ 3 - 10% tổng khối lượng giao dịch đã đăng ký. Giá bán được xác định theo giá thị trường, tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính và quy chế của HoSE.
Hội đồng quản trị Eximbank yêu cầu giá bán mục tiêu không thấp hơn 20.199 đồng/cổ phiếu. Với mức giá trên, dự kiến Eximbank sẽ thu về ít nhất 123 tỷ đồng.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông Eximbank năm 2023 đã thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ, thay vì phải hủy số cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ của ngân hàng. Eximbank đã mua số cổ phiếu quỹ này với mức giá bình quân là 12.835 đồng/cổ phiếu và nắm giữ cho tới thời điểm hiện nay.
CII "bơm" cho NBB 500 tỷ đồng
Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) vừa thông qua kế hoạch hợp tác cùng Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) để triển khai dự án.
Theo đó, Năm Bảy Bảy thông qua việc nhận hợp tác kinh doanh với Công ty CII về dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi (xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Giá trị hợp tác tối đa là 500 tỷ đồng, thời gian hợp tác tối đa 7 năm. Lý do hợp tác là để tối đa hoá hiệu quả, đồng thời giảm thiểu chi phí sử dụng vốn trong quá trình đầu tư và phát triển dự án trên.
Dự án De Lagi tại Bình Thuận có quy mô hơn 124 ha và tổng vốn đầu tư 2.726 tỷ đồng. Dự án đang thực hiện đền bù và xây dựng hạ tầng, được triển khai từ năm 2017 - 2024.
Tại thời điểm ngày 30/9, CII đang sở hữu 37,52% vốn tại Năm Bảy Bảy.
Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DCG) thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt vào ngày 20/12. Thời gian chi trả cổ tức dự kiến là 18/1/2024. Với tỷ lệ tạm ứng cổ tức là 30% (sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 3.000 đồng) và gần 380 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DGC sẽ chi hơn 1.139 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này.
Công ty CP Phốt pho Apatit Việt Nam (mã chứng khoán: PAT) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 20/12 để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 90%. Với 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PAT dự chi 225 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với các cổ đông.
Phốt pho Apatit Việt Nam thành lập ngày 13/1/2014 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Công ty hiện có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai - công ty con của Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) sở hữu 51% vốn điều lệ, ông Đào Hữu Duy Anh (Tổng giám đốc DGC) sở hữu 9,03% vốn điều lệ và ông Đào Hữu Huyền (Chủ tịch Hội đồng quản trị DGC) sở hữu 7,69% vốn điều lệ.
Như vậy, sau khi chia cổ tức, Hoá chất Đức Giang - Lào Cai, ông Đào Hữu Duy Anh và ông Đào Hữu Huyền sẽ nhận lần lượt gần 115 tỷ đồng, hơn 20 tỷ đồng và hơn 17 tỷ đồng từ PAT.
Vào ngày 19/12, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP) sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Hiện tại, Cảng Đình Vũ có 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên phải chi 100 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Năm nay, công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt, thấp hơn so với năm 2022 là 60%.
Tiền phong