HPG tăng vùn vụt, ông Trần Đình Long bỏ túi thêm gần 3.000 tỷ, giá trị cổ phiếu đứng tên cá nhân sở hữu "giàu" vượt ông Phạm Nhật Vượng
Với việc nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, đà tăng của cổ phiếu HPG đã giúp Chủ tịch Trần Đình Long bỏ túi thêm 2.957 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần.
- 06-06-2023Hòa Phát (HPG): Sản lượng bán thép hồi phục lên cao nhất từ đầu năm, 55% sản lượng HRC từ xuất khẩu
- 06-06-2023Từng lỗ đậm khi ôm cổ phiếu Hoà Phát, các tay chơi đang “về bờ”, có DN đã lãi trở lại khi thị giá HPG tăng 84% sau nửa năm
- 25-04-2023Ông Trần Đình Long nói “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua”, Hoà Phát (HPG) lãi gần 400 tỷ trong quý 1
Thị trường chứng khoán vừa có một tuần giao dịch tích cực với chỉ số VN-Index tăng 14,16 điểm (tương ứng tăng 1,2%) và dừng lại ở 1.129,38 điểm.
Trong tuần vừa rồi, "cổ phiếu quốc dân" HPG gây chú ý khi đã lên mốc cao nhất trong vòng hơn 12 tháng trở lại đây. Chỉ tính riêng trong tuần qua, cổ phiếu HPG đã tăng 8,32% lên mức 25.400 đồng/cp. Với việc nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, đà tăng của cổ phiếu HPG đã giúp Chủ tịch Trần Đình Long bỏ túi thêm 2.957 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần, nâng khối tài sản của ông Long lên 38.515 tỷ đồng.
Ngược lại, cổ phiếu VIC lại giảm 2,8% trong tuần qua, khiến giá trị số cổ phiếu VIC mà ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp sở hữu giảm 1.037 tỷ đồng xuống 35.946 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị số cổ phiếu đứng tên cá nhân sở hữu của ông Long đã vượt qua ông Vượng.
Nếu tính theo giá trị cổ phiếu sở hữu trực tiếp và gián tiếp, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng là hơn 108.000 tỷ, vẫn giữ ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán.
Nếu tính từ đầu tháng 6, cổ phiếu HPG đã tăng gần 20%. Vốn hóa thị trường của Hòa Phát theo đó cũng tăng thêm 24.400 tỷ đồng sau hơn 3 tuần, lên gần 147.700 tỷ đồng.
Không chỉ riêng HPG, trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngành thép đều tăng mạnh. Ví dụ như NKG ̣tăng 17%, HSG tăng 13%, POM tăng 39%, SMC tăng 5%, ... từ đầu tháng 6 tới nay.
Ngành thép cũng đang đón một số tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 13.3% so với tháng trước đạt mức 2.14 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của CTCK KIS, sản lượng tiêu thụ ngành thép Việt Nam không tăng trưởng đáng kể, điều này có thể tiếp tục cản trở doanh thu bán hàng của thị trường trong những tháng tới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế ảm đạm có thể ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu.
Còn Mirae Asset thì cho rằng, từ cuối 1Q23, thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu gỡ rối đầu tiên khi Nghị định 08, Nghị quyết 33 và Nghị định 10 đã cung cấp những hành lang pháp lý để khơi thông nguồn vốn trái phiếu và condotel. Đồng thời lãi suất huy động cũng đã giảm hơn 2% so với tháng 11/2022. Mirae Asset kỳ vọng sự hỗ trợ về chính sách và đầu tư công sẽ cải thiện sức mua của thị trường thép từ nửa năm sau 2023 khi hàng loạt các dự án hạ tầng lớn được khởi công như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, vành đai 4 Hà Nội hay vành đai 3 HCM, ...
Nhịp sống thị trường