HSBC: Đến lúc cần đánh giá lại sức khỏe ngành ngân hàng Việt Nam
Theo HSBC, mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Ngoài ra, Việt Nam vẫn là nước ASEAN duy nhất trong phạm vi nghiên cứu của HSBC chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Basel II.
Bộ phận Global Research của HSBC vừa đưa ra báo cáo Vietnam At A Glance - What do banks' balance sheets tell us? (Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?)
HSBC cho rằng, vì tầm quan trọng đối với nền kinh tế, đã đến lúc cần đánh giá lại sức khỏe của ngành ngân hàng Việt Nam. HSBC đã phân tích bảng cân đối kế toán của các ngân hàng quốc doanh (SOE) thuộc "Big 4", vì những ngân hàng này chiếm một nửa tổng dư nợ toàn ngành.
Báo cáo của HSBC cho rằng, sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng, cùng với nợ hộ gia đình tăng cao vẫn là một mối lo ngại lớn. Tỷ trọng cho vay hộ gia định tại "Big 4" đã tăng đáng kể từ 28% năm 2013 lên 46% vào năm 2020. Theo đó, nợ hộ gia đình tăng nhanh từ 25% GDP lên 61%. Tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ 41% thu nhập lên hơn 100% (tương ứng từ năm 2013 - 2020).
HSBC cho rằng, trong khi tăng trưởng nợ hộ gia đình ở mức độ vừa phải vào năm 2020, đòn bẩy tiêu dùng tăng cao vẫn là một mối lo ngại lớn, đặc biệt khi điểm yếu của thị trường lao động vẫn tiếp diễn. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn phần giảm, phần lớn lực lượng lao động đang là lao động phi chính thức, với mạng lưới an sinh xã hội còn ít.
Nhìn bề ngoài, chỉ số thất nghiệp trông khá ổn, giảm từ 2,7% quý 2/2020 xuống còn 2,4% quý 1/2021. Tuy nhiên, số việc làm vẫn thấp hơn so với trước đại dịch và tiền lương đã giảm lần đầu tiên trong những năm gần đây.
Đối với cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn cho vay, nợ ngắn hạn (dưới 1 năm) chiếm tỷ trọng lớn với gần 60% trong nhóm "Big 4". Chất lượng dư nợ khá tốt với chỉ 1% được phân loại là "lỗ". Điều này phù hợp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng, chỉ tăng nhẹ từ 1,6% cuối năm 2019 lên 2,1% cuối quý 3/2020.
HSBC cho biết, mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Nếu tính cả các "khoản cho vay bị suy giảm giá trị", nợ xấu ước tính sẽ tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020. HSBC cũng giải thích các khoản cho vay bị giảm giá trị là định nghĩa rộng hơn về nợ xấu, bao gồm thêm các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản vay được cơ cấu lại theo Quyết định 780.
Về cơ cấu tín dụng theo từng lĩnh vực, mặc dù mỗi ngân hàng có sự phân bổ khác nhau, nhưng lĩnh vực sản xuất, bán buôn/ bán lẻ vẫn là ưu tiên và điều này được đánh giá tốt cho triển vọng tươi sáng của Việt Nam trong sản xuất công nghiệp. Thực tế, các nhà chức trách cũng đã liên tục kêu gọi các ngân hàng hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất thời gian qua.
Tuy nhiên, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro hơn như bất động sản cũng đã tăng tốc kể từ tháng 12/2020, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn.
Ngoài ra, HSBC cũng lưu ý về việc tuân thủ Hiệp ước Basel II của các ngân hàng Việt. HSBC cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, vốn đã bị gián đoạn một phần do đại dịch.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Hiệp ước Basel II. Đặc biệt, hệ số CAR vẫn đang ở mức thấp tại một số ngân hàng quốc doanh. Do đó, Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn, đẩy nhanh áp dụng tiêu chuẩn Basel II – vốn đã trì hoãn hạn chót từ năm 2020 đến năm 2023.
"Mặc dù không thấy rủi ro ngay lập tức, nhưng việc tăng tốc cải cách sẽ giúp ngân hàng Việt Nam xây dựng vùng đệm vốn và ngăn ngừa các cú sốc tiêu cực trong tương lai", HSBC khuyến nghị.