MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hùng cường từ đâu?

Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, từ lãnh đạo đến công dân, có lẽ khát vọng giàu có cho bản thân và thịnh vượng cho đất nước luôn là thường trực. Đứng trước những đòi hỏi của cuộc sống cá nhân hay yêu cầu về một sức mạnh toàn diện của đất nước sẽ luôn làm cho mọi người có một khát vọng. Đó là khát vọng về hùng cường, giàu có và an toàn.

Một tinh thần dân tộc

Đến nay, không ai phủ nhận rằng Bạch Thái Bưởi là một doanh nhân rất đỗi nổi tiếng đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Ông nổi tiếng không chỉ vì được xếp vào số 4 người giàu nhất Việt Nam khi đó, mà còn là một con người thấm đẫm tinh thần dân tộc. Dẫu cho có kinh doanh hàng hải, khai thác than hay in ấn thì tinh thần dân tộc vẫn là cái gốc của ông.

Điều đó cũng có thể hiểu được bởi Bạch Thái Bưởi sinh ra, trưởng thành và kinh doanh trong một bối cảnh xã hội đặc biệt. Có lẽ chính sự bất bình đẳng trong chính sách dành cho “chính quốc” và thuộc địa đã khiến Bạch Thái Bưởi đua tranh kể cả khi học tập, vận dụng những kỹ thuật tân tiến của phương Tây thời đó. Nhưng có thể nói tinh thần dân tộc chính là điều mà Bạch Thái Bưởi thể hiện rõ khi ông kinh doanh hàng hải.

Người ta hẳn nhiên biết rằng, công nghệ hàng hải khi đó của Việt Nam không thể sánh ngang với phương Tây. Vì vậy mà Bạch Thái Bưởi phải mua lại những con tàu từ chính “đối thủ” của mình. Nhưng khi tiếp nhận những con tàu ấy, ông đã đặt lại tên cho chúng. Những cái tên mà nếu đọc lên sẽ thấy rõ lòng tự hào dân tộc. Đó là những Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi.

Sách vở truyền tụng câu chuyện Bạch Thái Bưởi đã đối đáp với Thống sứ Bắc Kỳ René Robin trong một hội nghị kinh tế lý tài. René Robin khi thấy Bạch Thái Bưởi đứng lên bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho người dân thuộc địa đã nói: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Không chịu thua, Bạch Thái Bưởi đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.

Nếu tìm hiểu về Bạch Thái Bưởi thì mới thấy một sự thật rằng: ông đã biến những khó khăn, khiếm khuyết của thời cuộc trở thành động lực để vươn lên. Và quả thực, nếu không có một khát vọng giàu có cho bản thân và người xung quanh, khát vọng thịnh vượng và hùng cường quốc gia thì chắc rất khó để Bạch Thái Bưởi có thể vươn lên đến một tầm vóc mà giới doanh nhân Việt Nam sau này coi ông là một tấm gương sáng.

Thời xưa, người ta nhận định về Bạch Thái Bưởi là “một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của Cụ đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của Cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. Cụ Nguyễn Văn Tố trong một bài đăng ở Tạp chí Đông Thanh đã nói Bạch Thái Bưởi là “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Hẳn mọi người còn nhớ ngày 17/5/2017, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong sự kiện được gọi là “Hội nghị Diên Hồng” giữa Chính phủ, Thủ tướng và cộng đồng kinh doanh cũng đã nhắc tới Bạch Thái Bưởi. Thủ tướng gọi Bạch Thái Bưởi là “nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc tiêu biểu” và dẫn câu nói thể hiện khát vọng của ông rằng: “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”. Thủ tướng cũng không quên nhắc đến tổng kết bài học thương trường của Bạch Thái Bưởi: “Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần và phải kịp thời”.

Những tiếc nuối…

Thật ra là có một dòng chảy khát vọng giàu có của doanh nhân kể cả khi quốc gia trải qua những thăng trầm của thời cuộc, của thể chế chính trị hay những bất ổn trong tư duy phát triển. Cũng chính khát vọng giàu có ấy khiến cho ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất về tư duy kinh tế thì doanh nhân vẫn có nhiều cách tồn tại, mang lại cho các nhà hoạch định chính sách những thực tiễn tốt để thay đổi.

Không cần nhắc lại những gì đã diễn ra kể từ sau năm 1975 cho đến 1986 đối với kinh tế quốc gia. Nhưng đáng chú ý là, ngay cả thời kỳ “trước đổi mới” ấy, vẫn có những niềm tự hào mà người Việt Nam đã làm ra. Chẳng hạn như nhãn hiệu kem đánh răng P/S do Công ty Hóa phẩm P/S phát triển từ năm 1975. Thời gian tồn tại 20 năm của P/S cho đến khi bị “thâu tóm” bởi Unilever 1995 cho thấy: nếu thực sự được tự do phát triển, thì Việt Nam vẫn có những sản phẩm đáng tự hào.

Tương tự như P/S thì phải kể đến nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan mà cũng đúng thời điểm 1995, Colgate đã chỉ mất 3 tháng để xóa sổ.

Cũng vậy là những nhãn hiệu một thời như nước giải khát Tribeco, bánh kẹo Kinh Đô, Bibica hay Phở 24 đã gây ra những tiếc nuối khôn nguôi. Sự tiếc nuối ấy có thể là cái giá phải trả khi Việt Nam hội nhập mà không chuẩn bị thật kỹ. Nhưng ngày nay, ít nhiều vẫn còn có những tiếc nuối khi cả những thương hiệu như Sabeco, Huda Huế… đã lần lượt lọt vào tay nước ngoài trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Mới đây nhất, câu chuyện Diêm Thống Nhất tuyên bố dừng sản xuất cũng khiến cho nhiều người tiếc nuối.

Nhưng điểm lại thì thấy, chuyện “sinh - lão - bệnh - tử” của con người cũng là quy luật cho những niềm tự hào, những thương hiệu của một quốc gia. Cả những ông lớn như Nokia, Lehman Brothers, Sony Ericsson… vang bóng một thời cũng không thoát khỏi quy luật đào thải. Nguyên do nhiều, nhưng tựu trung là niềm khát khao vươn lên, phát triển đã có lúc bị lãng quên.

Nhưng khát vọng là… chưa đủ!

Dù sao thì tất cả những điều nói trên đã là quá khứ. Từ những thay đổi về tư duy, chuyển dịch về cơ cấu ở tầm vĩ mô, kết hợp với những khát khao của một thế hệ lãnh đạo, doanh nhân và người dân, kinh tế Việt Nam ít nhiều cho đến nay đã có những thành tựu. Đó là sự mở rộng về quy mô kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khuyến khích sự bình đẳng giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, thay đổi tư duy quản lý khiến xã hội có một nền tảng tốt hơn cho tương lai.

Không phải cường điệu, nhưng rõ ràng những thành tựu mà Việt Nam đạt được đã thu hút sự quan tâm của thế giới. Đến nỗi ngay cả những chuyên gia hàng đầu thế giới như Philp Kotler, cha đẻ của marketing hiện đại cũng đưa ra lời khuyên: “Việt Nam phải trở thành bếp ăn của thế giới”, ngay từ năm 2008. Rồi sau đó là những định hướng như “Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới”, Việt Nam là điểm đến, Việt Nam là… tất cả của thế giới đã được đưa ra.

Có thể nói cho đến nay, đó là những mỹ từ thể hiện khát vọng của một Việt Nam với vị trí địa chính trị quá thuận lợi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, từ “khát vọng” không chỉ được phát ra từ những nhà lãnh đạo, mà ngay cả những tập đoàn kinh tế tư nhân, những doanh nghiệp nhà nước cũng đặt trước mặt mình từ “khát vọng”. Tất cả chỉ để mong rằng, khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường được trở thành sự thật.

Có chuyên gia đã nhận định rằng: để theo kịp thiên hạ thì Việt Nam phải tăng trưởng ít nhất 9 - 10%/năm trong một giai đoạn dài. Thì phải thấy được rằng, những con số về tăng trưởng hiện nay chỉ quanh quẩn 6,8 - 7% là chưa đủ. Kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 500 tỷ USD năm 2019 có thể là một kết quả tốt, lần đầu tiên đạt được nhưng cũng chưa đủ. Môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục tăng hạng nhưng vị trí vẫn xếp giữa bảng vẫn là chưa đủ. Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng nhưng môi trường, văn hóa không được bảo đảm thì vẫn là chưa đủ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu trước Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp đã đề cập đến một giải pháp phát triển cụ thể để thực hiện khát vọng hùng cường, trong đó đề cao vai trò sự kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Đó là: cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng còn cụ thể hơn: “Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia”. Những điều này để hiện thực hóa một kỳ vọng rằng: doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia.

Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây khi hội nghị trực tuyến với các địa phương khẳng định rằng: “Không thể đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội lấy kinh tế”. Có thể hiểu rằng, khát vọng hùng cường mà Việt Nam đang đặt ra đã xoay chiều sang một tầm cao khác. Đó là kinh tế dù phát triển thế nào thì cũng phải đặt trên nền tảng văn hóa của dân tộc và văn minh của thế giới.

Tâm huyết hy vọng

Xin được kết thúc bài viết bằng một câu chuyện tâm huyết của doanh nhân Hoàng Nam Tiến, con trai tướng Hoàng Đan với một niềm tin rằng: truyền thống và văn hóa Việt Nam sẽ là bệ đỡ cho khát vọng hùng cường.

“Những năm cuối đời trước khi ba tôi mất, tôi từng hỏi ông một câu:

- Ba đã mất bao nhiêu người lính suốt cuộc đời mình?

Ông nghĩ một lúc lâu rồi trả lời:

- Ba không tính chính xác được. Nhưng có lẽ dưới quyền ba, ba đã mất 30.000 quân.

Ba bảo, trong mọi cuộc chiến đó, chúng ta đều ở thế yếu, nên tổn thất là điều không tránh khỏi. Nhưng trong sâu thẳm, tôi hiểu ông luôn nghĩ về những người lính mà ông đã mất đi mỗi ngày trong suốt cuộc đời mình.

Vì đời ông đã có lần suýt phải ra Tòa án binh vì bất tuân lệnh cấp trên, bởi biết nếu đánh thì lính của mình sẽ chết.

Thế nên, năm 2015, khi xây dựng chiến lược về xuất khẩu phần mềm cho FPT Software, tôi đã hạ bút đặt quyết tâm: “F-Soft sẽ phải có 30.000 nhân viên vào năm 2020”.

Hiện nay tôi đã có 16.000 nhân viên. 3 năm nữa tôi sẽ có 30.000 nhân viên như tôi đã tự hứa với mình.

Có rất nhiều người hỏi tôi về con số 30.000 đó, và tôi trả lời: “Tôi muốn tự đặt cho mình một thứ vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh, vừa là thử thách. Ba tôi đã mất đi 30.000 lính suốt đời binh nghiệp của ông. Là con trai ông, tôi sẽ có nhiệm vụ đưa 30.000 bạn trẻ ra nước ngoài, cùng làm việc và cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu.

Đó thực chất cũng là một “cuộc chiến” khác: cuộc chiến góp phần thay đổi số phận của dân tộc này. 30.000 nhân viên của tôi sẽ không phải cầm súng, không phải đổ máu và phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Vì tôi tin, bàn tay cầm đũa ăn cơm được thì cũng gõ bàn phím được. Bàn tay bóp cò súng được thì cũng bấm chuột được”.

Theo Chân Luận

Báo Đầu Thầu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên