Ít nhất 130km đường bộ cao tốc sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2024
Trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc.
- 27-01-2024Cần thiết phải làm rõ mục tiêu, lộ trình phát triển logistics Việt Nam
- 27-01-2024Vận chuyển 1 container từ ĐBSCL về TP HCM: đường bộ đắt gần 3 lần đường thủy
- 27-01-2024Năm 2023: Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 466 tỷ USD
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán để khởi công các dự án theo kế hoạch trong kỳ trung hạn 2021-2025, nhất là các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Tại các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia cũng được Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công như: Đoạn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án thành phần 2 các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và khen thưởng kịp thời; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác như Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền, các địa phương sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành;
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...Phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP.HCM đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Bộ Giao thông vận tải sẽ kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đảm bảo nguồn cung vật liệu.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, đồng thời xử lý các tồn tại về chất lượng công trình. Chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết xử lý các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành và xử lý trách nhiệm người đứng đầu những tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ.
Công Thương