MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch ngân sách của Trump: Cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài trừ Fulbright, chi tiêu quốc phòng tăng vọt

17-03-2017 - 10:21 AM | Tài chính quốc tế

Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao bị cắt giảm hơn 28%, do đó USAID cũng như các chương trình viện trợ mà Mỹ đang phối hợp cùng Liên hợp quốc thực hiện sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kể cả viện trợ quân sự cũng sẽ chuyển thành những khoản vay.

Ngày hôm qua (16/3), Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đề xuất kế hoạch cắt giảm ngân sách với quy mô lớn chưa từng thấy. Ảnh hưởng đến mọi cơ quan và các chương trình của liên bang đồng thời chuyển hướng ưu tiên của Chính phủ Mỹ sang tăng cường chi cho quốc phòng và an ninh, kế hoạch này được dự báo sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi trình lên Quốc hội.

Theo đó, bản đề xuất ngân sách năm 2018 với quy mô 1.150 tỷ USD bao gồm cắt giảm hoặc thậm chí xóa bỏ nhiều chương trình an sinh xã hội vốn bị đảng Cộng hòa kêu gọi cắt bớt từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Ngược lại ông Trump đã đề xuất những khoản tiền rất lớn dành cho Lầu Năm Góc và Bộ An ninh nội địa.

Những con số trong bài báo này được tính toán dựa trên ngân sách đã được thực thi của năm tài khóa 2016. Mặc dù con số tổng giảm 1% so với 2016, toàn bộ bức tranh về thâm hụt ngân sách của Mỹ không có nhiều thay đổi. Theo dự đoán của Văn phòng ngân sách, năm tài khỏa 2018 ngân sách Mỹ sẽ thâm hụt 487 tỷ USD.

Ngân sách cho Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ bị cắt giảm 19,5 tỷ USD, bộ Ngoại giao giảm 10,8 tỷ USD, bộ Lao động giảm 2,6 tỷ USD và Bộ Nông nghiệp giảm 7,3 tỷ USD. So với thời Obama mức giảm là 20%.

Ngân sách cho cơ quan bảo vệ môi trường giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm trở lại đây (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát), hơn 50% số chương trình sẽ bị hủy bỏ, kéo theo 3.200 việc làm mất đi. Các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu đều bị ảnh hưởng.

Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao bị cắt giảm hơn 28%, do đó USAID cũng như các chương trình viện trợ mà Mỹ đang phối hợp cùng Liên hợp quốc thực hiện sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoản tiền viện trợ cho các ngân hàng phát triển đa phương (như World Bank) giảm 650 triệu USD. Mỹ cũng giảm bớt sự hiện diện ở IMF.

Các chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục sẽ bị xóa bỏ trừ Fulbright. Những cam kết của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế từ UN đến World Bank đều sẽ thu hẹp lại. Kể cả viện trợ quân sự cũng sẽ chuyển thành những khoản vay.

Ngược lại, Lầu Năm góc có thêm 52,3 tỷ USD (tương đương 10%), Bộ An ninh nội địa thêm 3 tỷ USD (tức tăng hơn 7%). Tổng chi tiêu quốc phòng sẽ là 639 tỷ USD, trong đó có cả ngân sách cơ bản và ngân sách dành cho các hoạt động ở nước ngoài (ngân sách chiến tranh), tăng 52 tỷ USD.


Ngân sách cho Lầu Năm góc trong những năm qua.

Ngân sách cho Lầu Năm góc trong những năm qua.

Nhà Trắng cũng tiết lộ sẽ yêu cầu các nhà làm luật thông qua 11 khoản chi cho năm tài khóa 2017 trước ngày 28/4, theo đó chi cho quốc phòng sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và chi cho an ninh biên giới tăng 3 tỷ USD. Trong đó 1,5 tỷ USD sẽ được sử dụng cho chương trình thí điểm để tìm ra cách xây dựng bức tường ngăn cách với biên giới Mexico. Trump đã tuyên bố người Mexico sẽ trả tiền cho bức tường này nhưng thực tế là nhiều khả năng Bộ Tài chính Mỹ mới là bên chi trả.

Một trong những bên được lợi từ kế hoạch ngân sách này là chương trình chọn lựa trường học của Bộ giáo dục với ngân sách dành cho bộ này tăng thêm 1,4 tỷ USD. Bộ Cựu chiến binh cũng có thêm 7,3 tỷ USD.

Trump đề xuất tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu liên bang, muốn tạo ra một tổ chức phi chính phủ độc lập giữ nhiệm vụ quản lý 14.500 trung tâm kiểm soát không lưu. Trong cuộc gặp với các lãnh đạo hàng không hồi tháng 2, ông nghe thấy nhiều lời phàn nàn rằng hệ thống kiểm soát không lưu đã quá lạc hậu.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết ông hoan nghênh các đề xuất của Tổng thống bởi kế hoạch này “lật sang 1 trang mới cho ngân sách Mỹ” so với 8 năm ông Obama cầm quyền. Tuy nhiên ông cũng không hoàn toàn đồng ý với những khoản cắt giảm quá mạnh. Trong khi đó nhà lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng kế hoạch này sẽ “phá hủy cuộc sống của tầng lớp trung lưu” và sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía đảng Dân chủ.

Những cơ quan và chương trình bị cắt giảm mạnh nhất chính là những thứ mà ông Trump thường xuyên chỉ trích. Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao sẽ giảm 28% so với mức của năm 2016, chủ yếu nhắm vào các chương trình viện trợ quốc tế. Cơ quan bảo vệ môi trường cũng bị giảm 30. Bên cạnh đó các chương trình phát triển nông nghiệp, năng lượng sạch và ngân sách dành cho chương trình nghiên cứu liên bang cũng nằm trong danh sách cắt giảm.

Bản đề xuất này trùng khớp với triết lý “American First” (nước Mỹ trước tiên) mà ông Trump đang theo đuổi. “Để giữ cho nước Mỹ an toàn, chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn vốn đang bị trì hoãn quá lâu. Nhưng chúng ta cũng phải có những khoản đầu tư cần thiết”, ông Trump nói trong tuyên bố được đưa ra cùng với kế hoạch ngân sách.

Kế hoạch ngân sách là một phần trong những điều mà các Tổng thống thường phải công bố trong vài tháng sau khi nhậm chức. Tuy nhiên bản kế hoạch lần này của ông Trump chưa có kế hoạch cắt giảm thuế hay dự báo của Nhà Trắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chúng sẽ được công bố trong một tài liệu lớn hơn vào tháng 5.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên