Kéo khách quốc tế trở lại Việt Nam: Để du lịch không còn "đi trước về chậm"
Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế.
Kéo khách quốc tế trở lại Việt Nam- Để du lịch không còn -đi trước về chậm- - VTV.VN
Khách quốc tế "chịu chi"
Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế chỉ đạt 70% kế hoạch. Tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ đạt 18,1%, xếp sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (22%), quốc gia mở cửa cùng thời điểm. Hay thậm chí, những quốc gia mở cửa du lịch muộn hơn như Singapore đạt 30,9%, Malaysia là 27,5%.
Tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt nam chỉ đạt 18,1%, xếp sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á
Việc thu hút khách quốc tế là vô cùng quan trọng, bởi mức chi tiêu mà họ mang lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu du lịch.
Năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch. Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: "Thường Việt Nam là điểm đến chỉ "một lần trong đời" của phần lớn khách du lịch. Khách du lịch thường sang đây một lần và họ không quay lại nữa. Chúng ta không chỉ muốn mở rộng tệp khách du lịch, mà còn muốn họ ở lại lâu hơn. Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần biến khách du lịch, kể cả họ mới sang đây một lần, trở thành đại sứ du lịch của Việt Nam".
Chính sách miễn thị thực chưa thực sự cạnh tranh
Mặc dù được đánh giá là thông thoáng, nhưng chính sách miễn thị thực của Việt Nam nếu so với các quốc gia trong khu vực, vẫn chưa thực sự cạnh tranh.
Hiện tại, Bộ Công an đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, đề xuất mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày; kéo dài thời gian tạm trú với người miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày…
Chuyên gia cho rằng, chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón.
"Chúng ta cần đơn giản hoá thủ tục, mở rộng visa điện tử cho nhiều quốc gia hơn. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian của visa du lịch, đến 30 ngày, thậm chí tôi nghĩ có thể lên đến 90 ngày. Đó sẽ trở thành lợi thế của Việt Nam", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đề xuất.
Theo đánh giá chính sách miễn thị thực của Việt Nam nếu so với các quốc gia trong khu vực, vẫn chưa thực sự cạnh tranh (Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)
Còn theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cần phải mở rộng diện được thị thực điện tử. Đầu tư công nghệ để ứng dụng thị thực điện tử nhanh nhất, thuận tiện nhất...
Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng cũng là khuyến nghị được các chuyên gia đề cập. Như với Thái Lan, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến đây đã vượt mục tiêu 10 triệu lượt mà ngành du lịch nước này đề ra.
"Chúng tôi cố gắng thiết kế nhiều loại tour du lịch để có thể phù hợp với sở thích của tất cả khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cũng như kèm các chính sách ưu đãi, giảm giá. Ví dụ như với khách du lịch Việt Nam, chúng tôi thấy rằng phần lớn khách du lịch Việt Nam sang Thái đi cùng gia đình. Nên chúng tôi thiết kế một số chương trình ưu đãi giảm giá vào các dịp lễ hội, hay nghỉ hè của học sinh", bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội thông tin.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Hiện Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.
Hàng không tăng cường đón khách quốc tế
Các chuyên gia cho rằng ngành du lịch hoàn toàn có thể đạt và vượt con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay nếu sớm hiện thực hoá các giải pháp mà nhiều chuyên gia đã đề xuất. Bên cạnh đó, điều này càng khả thi hơn khi Trung Quốc - thị trường khách du lịch lớn nhất của nước ta đã mở cửa cho khách đoàn sang Việt Nam từ 15/3 vừa qua.
Mới đây, chuyến bay đầu tiên từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đến Hà Nội sau 3 năm tạm dừng khai thác vì dịch bệnh. Đến thời điểm này, các hãng hàng không trong nước đã lên kế hoạch tăng chuyến, mở lại đường bay, hợp tác với công ty du lịch để sẵn sàng đón lượng khách quốc tế trong thời gian tới.
Du khách Trung Quốc xuống sân bay, bắt đầu chuyến thăm quan, nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà (Ảnh: TTXVN)
Chuyến bay đầu tiên từ Bắc Kinh đến Hà Nội chở hơn 100 hành khách Trung Quốc đã được Vietnam Airlines khai thác. Ngoài ra, hãng cũng đã mở lại và tăng tần suất mỗi đường bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Quảng Châu, Thượng Hải lên 4 chuyến/tuần. Đồng thời, nối lại 3 đường bay từ Đà Nẵng đến thị trường này.
"Các tháng tới đây chúng tôi sẽ mở lại các đường bay từ Đà Nẵng đi tới Thành Đô, từ Đà Nẵng đi tới Thượng Hải và Quảng Châu cũng như mở lại đường bay từ Hà Nội đi tới Thành Đô. Ngoài ra chúng tôi đang xem xét khả năng khai thác thường lệ từ Hà Nội, TP. HCM đi tới sân bay mới, sân bay Đại Hưng tại Bắc Kinh", ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines thông tin.
Còn Vietravel Airlines cũng đã phối hợp với một số đối tác thực hiện các chuyến bay thuê chuyến từ Thường Châu, Hàng Châu, Côn Minh đến Cam Ranh (Nha Trang). Đồng thời, liên kết với công ty du lịch và xin cấp phép khai thác các chuyến bay thường lệ sang Trung Quốc.
"Hãng sẽ tăng cường thêm chuyến bay thuê chuyến và tối đa lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Ngoài ra trong quá trình phát triển ngay từ đầu, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch mạng đường bay, xác định thị trường Trunh Quốc là thị trường trọng điểm đối với khu vực Đông Nam Á và sẽ tiến tới bay thường lệ trong thời gian sớm nhất", ông Dương Hoàng Phúc - Phó Giám Đốc Thương Mại Vietravel Airlines cho biết.
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, thị trường quốc tế mang lại lợi nhuận trên 60% cho các hãng hàng không (Ảnh: TTXVN)
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, thị trường quốc tế mang lại lợi nhuận trên 60% cho các hãng hàng không. Tuy nhiên đến nay mới chỉ khôi phục được khoảng 30 - 40% so với trước dịch COVID-19.
"Ngoài những đường bay thông lệ thì các thị trường mới và có tiềm năng thì Hàng không Việt Nam cũng đã chủ động như đến Ấn Độ rồi đến các nước châu Âu, xung quanh các vùng chiến sự chúng ta cũng có kết nối để thu hút lượng khách châu Âu trở lại Việt Nam", ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm nay, vận chuyển khách quốc tế dự kiến đạt 34 triệu lượt, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Do vậy các giải pháp tăng chuyến, nối lại mạng bay quốc tế trong thời gian tới sẽ là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng không và du lịch.
Tour du lịch Trung Quốc giá rẻ hết chỗ sau ít ngày mở bánvtv.vn