MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thép nửa đầu năm 2019 là giá nguyên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí giá vốn tăng và lợi nhuận giảm sút.

Mùa báo cáo tài chính quý 2/2019 đang ở giai đoạn cuối. Nhà đầu tư cũng không quá ngạc nhiên khi liên tục xuất hiện báo các tài chính các doanh nghiệp ngành thép với doanh thu, và cả lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ. Thậm chí có những doanh nghiệp lỗ như Thép Việt Ý (VIS) hay Dana Ý (DNY).

Với các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, kết thúc 6 tháng đầu năm, một loạt doanh nghiệp như Việt Ý, Tisco (TIS), như Thép Tiến Lên (TLH), ống thép Việt Đức VGPIPE (VGS), Dana Ý đều có cả doanh thu và lợi nhuận giảm sút. Còn SMC – doanh nghiệp kinh doanh thép có tiếng, dù doanh thu tăng vọt đến trên 8,7%, nhưng lợi nhuận ngược lại giảm sút gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc - Ảnh 1.

Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của SMC đạt 8.669 tỷ đồng, tăng 8,7% so với nửa đầu năm ngoái, trong khi chi phí giá vốn lại tăng đến 10,5% dẫn đến lợi nhuận gộp giảm sút 22%. Tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,8%.

Nói đến SMC, các nhà đầu tư lại liên tưởng đến cuộc "hôn nhân" giữa SMC và Thép Nam Kim (NKG). Cuộc "hôn nhân" diễn ra giữa lúc ngành thép đang gặp nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư liên tưởng đến nhiều "kịch bản", trong đó, kịch bản "dễ nghe" nhất là việc các doanh nghiệp đang liên kết với nhau để tạo nên thế mạnh hơn, hợp tác chặt chẽ hơn để tạo nên sức mạnh mới trong cạnh tranh.

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc - Ảnh 2.

Khởi đầu, là việc 2 doanh nghiệp ngành tôn thép hợp tác trong đợt NKG phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu và SMC là một trong những đối tác mua. Tuy nhiên, mọi việc chỉ phát triển nhanh khi một nhân sự cấp cao của SMC được bầu làm CEO Thép Nam Kim, đồng thời, vị CEO này đã mua vào lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của NKG. Rồi sau đó SMC gia tăng tỷ lệ sở hữu, và trở thành cổ đông lớn của NKG. Trong khi đó công ty riêng của Chủ tịch Hồ Minh Quang đã bán bớt và không còn là cổ đông lớn.

Hiện Nam Kim chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2, nhưng quý 1/2019 đã lỗ gần 102 tỷ đồng. Nguyên nhân, do giá vốn đội cao hơn cả doanh thu, nên Nam Kim đã lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa kể các loại chi phí hoạt động phát sinh.

Không chỉ Nam Kim, mà Thép Pomina (POM) cũng chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2, trong khi quý 1 đã lỗ gần 84 tỷ đồng. Số lỗ này làm kết quả công ty giảm sút mạnh so với số lãi 209 tỷ đồng đạt được quý 1/2018. Nguyên nhân lỗ của Pomina cũng do chi phí giá vốn quá lớn, lợi nhuận gộp giảm sâu so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cả cổ phiếu NKG và POM cùng đang giảm sâu, về sát vùng đáy của nhiều năm trở lại đây.

Việc giá vốn của các doanh nghiệp ngành thép đội lên cao không khó hiểu. Thông tin cho biết, tại Trung Quốc, giá quặng sắt đang liên tục lập đỉnh mới, thị trường quặng sắt ghi nhận quý 2/2019 là quý tăng giá mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.

Trong khi đó, ngược lại, áp lực cạnh tranh, áp lực về giá của các doanh nghiệp làm cho giá thép bán ra không tăng mạnh được như mức tăng giá nguyên liệu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự chủ được nguồn phôi nguyên liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp chỉ đi nhập phôi nguyên liệu. Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan cũng là một áp lực làm các doanh nghiệp xuất khẩu thép phải tìm hướng đi mới, chủ động nguồn nguyên liệu từ Việt Nam hoặc các nước khác ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh. Trong đó, thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu được hơn 123 nghìn tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2018.

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc - Ảnh 3.

Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư vừa qua, Hòa Phát cho biết doanh thu quý 2 đạt 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, vẫn giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm của Hòa Phát đạt 30.263 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 12,77%, còn khoảng 3.860 tỷ đồng. Hòa Phát cũng cho biết thêm, quý 2 vừa qua chưa có sự đóng góp của khu liên hợp thép Dung Quất. Tuy nhiên Hòa Phát cũng nhận định 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, thị trường BĐS đang chậm lại.

Ống Thép Việt Đức (VGS) báo cáo đạt 3.463 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 28 tỷ đồng, giảm 11,7%.

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc - Ảnh 4.

Thép Tiến Lên (TLH) đạt 2.557 tỷ đồng doanh thu, giảm 16,4% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thế giảm đến hơn 72% mà nguyên nhân cũng chỉ bởi giá vốn và chi phí đội lên cao. Riêng quý 2/2019 Thép Tiến Lên lãi sau thuê hơn 8 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ.

Tisco (TIS) đạt 5.486 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,4% so với 6 tháng đầu năm 2018 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 10,5%, còn 38 tỷ đồng.

Nhắc đến "cuộc hôn nhân" của SMC với Nam Kim, nhà đầu tư cũng không quên liên tưởng đến Thép Việt Ý, và cả Thép Thái Nguyên (Tisco). Thép Việt Ý sau hành trình "vòng vèo" qua tay loạt cổ đông cá nhân, trước khi về tay Thái Hưng, những tưởng đã ổn định. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn, Thép Việt Ý đã một lần nữa "đổi chủ" sang tay doanh nghiệp thép Nhật Bản Kyoei.

Trước đó, khi bắt đầu về tay Thái Hưng, thép Việt Ý đã có giai đoạn kinh doanh hưng phấn, khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận trong quý vượt trội so với khoảng thời gian trước đó. Tuy nhiên sau đó đã giảm sút rõ rệt và vừa trải qua 5 quý báo lỗ liên tiếp từ quý 2/2018 với số lỗ lũy kế đến 30/6/2019 lên đến 392 tỷ đồng. Trong đó nửa đầu năm 2019 lỗ gần 68 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2018.

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc - Ảnh 5.

Không thuận lợi chuyển giao như Thép Việt Ý, Thái Hưng cũng nhảy vào cuộc thâu tóm tại Thép Thái Nguyên. Cùng với đó là việc SCIC thoái vốn bằng cách giảm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Những tưởng cái tên Thép Kyoei lại xuất hiện trong cuộc chơi khi Thái Hưng sau thời gian sở hữu đã thông báo bán bớt cổ phần thoái vốn.

Tuy nhiên kịch bản tại Thép Việt Ý không lặp lại, đơn giản vì Thái Hưng không thể nắm cổ phần chi phối tại Tisco như tại Visco. Tại Tisco vẫn còn đó cổ đông nhà nước VnSteel (TVN). Do vậy cuộc chia tay giữa Thái Hưng với Tisco trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, mới đây thông tin 5 nguyên lãnh đạo VnSteel và Tisco bị bắt liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất kinh giai đoạn 2 – Công ty gang thép Thái Nguyên cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan.

Hiện TVN chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm 2019.

Một doanh nghiệp khác cũng có câu chuyện đáng nói đến nữa là Thép Dana Ý (DNY) – doanh nghiệp vẫn tiếp tục ngừng sản xuất từ quyết định của UBND Thành phố Đà Nẵng. Công ty chỉ đang ghi nhận nguồn thu từ thanh lý hoặc xuất trả một số vật tư, thiết bị có hạn sử dụng ngắn. Đồng thời ghi lỗ từ chi phí hoạt động và giá vốn. Tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 lên đến hơn 171 tỷ đồng.

Câu chuyện liên quan đến Thép Dana Ý không dừng lại ở đó, khi công ty đã đưa đơn khởi kiện chính UBND Thành phố Đà Nẵng về những sự việc liên quan đến việc nhà máy bị đóng cửa, ngừng sản xuất. Đơn khởi kiện nộp đầu năm 2019, nhưng tháng 6 vừa qua công ty mới nộp án phí sau khi tạm ngưng để 2 bên tiến hành thương lượng. Trong đơn khởi kiện dài 24 trang, Công ty Dana-Ý nêu những thiệt hại mà đơn vị này phải gánh chịu từ những quyết định của UBND TP Đà Nẵng là gần 400 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ngành thép lao dốc - Ảnh 6.

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thép quý 2 là giá phôi thép tăng cao, dẫn đến chi phí giá vốn tăng cao và lợi nhuận giảm sút. Lối thoát duy nhất là các doanh nghiệp cố gắng tự chủ về nguồn nguyên liệu, hay kết hợp sức mạnh như cách mà SMC và Thép Nam Kim đang làm.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên