Kết thúc một năm “bùng nổ” của giá vàng
Kết thúc một năm “đầy ấn tượng” của thị trường vàng trong nước, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt thông báo nghỉ Tết Nguyên đán và sẽ khai xuân vào mùng 6 tháng Giêng, mong chờ một năm tài chính “khởi sắc” cho tài sản kim loại quý này.
- 11-02-2021Giá vàng, bạch kim và palađi tăng vọt trước Tết Nguyên đán, diễn biến sắp tới sẽ ra sao?
- 06-02-2021Giá vàng thế giới mất dần động lực tăng
Theo thông báo của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi, tập đoàn này bắt đầu nghỉ giao dịch từ ngày 10/2 và bắt đầu giao dịch trở lại từ ngày 17/2 (mùng 6 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng thông báo nghỉ Tết từ ngày 10/2 và khai xuân trở lại vào ngày 17/2 (tức ngày mùng 6 âm lịch).
Tương tự, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu bắt đầu nghỉ giao dịch từ ngày 10/2. Doanh nghiệp này sẽ giao dịch trở lại vào 9h ngày 17/2 (tức ngày mùng 6 âm lịch).
Năm 2020, thị trường vàng trong nước đã trải qua một năm bùng nổ, có thời điểm ghi nhận giá vàng tăng mạnh tới mức 62 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử. Dù đóng cửa năm ở mức 56 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 10% giá đỉnh, giá vàng SJC vẫn ghi nhận tăng 33% năm qua (tương đương với mức tăng 13,5 triệu đồng/lượng).
Theo các chuyên gia, đây là mức tăng kỷ lục mà một tài sản trú ẩn an toàn như vàng có được trong năm.
Bước sang năm 2021, cụ thể trong tháng 1 năm 2021, giá kim loại quý tăng 600.000 đồng/lượng. Trong tháng 2 giá vàng diễn biến theo hướng tăng, giảm đan xen.
Đáng chú ý trong sáng 10/2 (tức 29 tháng Chạp năm Canh Tý), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 9/2. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch tại mức 1.843,3 USD/ounce, tăng 5,5 USD/ounce.
Dự báo về giá vàng trong năm 2021, trao đổi với báo chí T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có nhiều yếu tố tác động tới giá vàng năm 2021.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vàng đã trải qua 2 đợt sóng năm 2020 vào tháng 3 và tháng 8 giữa thời điểm khủng hoảng về kinh tế diễn ra. Nhưng sau đó, khi chính phủ nhiều nước đưa ra các biện pháp hỗ trợ mạnh đã giúp thị trường tài chính ổn định lại và đẩy giá vàng xuống dưới 1.900 USD.
Giới đầu tư cũng nhận ra các gói hỗ trợ đã phần nào giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và họ tự tin rằng các biện pháp mới có thể chặn đứng khủng hoảng, từ đó khiến thị trường vàng không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, khi giá vàng tăng lên quá cao, xu hướng chốt lời bắt đầu xuất hiện và là một trong những nguyên nhân khiến giá giảm liên tục từ tháng 8/2020 đến nay.
“Từ đó đến nay, không có trợ lực nào đủ mạnh để đẩy giá vàng lên quá 1.950 USD. Khủng hoảng thì đã được kiểm soát, căng thẳng địa chính trị cũng phần nào lắng xuống. Vàng đang không có lý do để tăng trở lại”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng 2021 vẫn là năm kim loại quý có triển vọng tăng trưởng tốt. Trong đó, xu hướng giá sẽ dựa vào 2 yếu tố gồm dịch bệnh và biến động kinh tế, chính trị thế giới.
Dù đã có vaccine nhưng số người được tiêm vẫn ở mức rất thấp so với số người nhiễm, để đạt được miễn dịch cộng đồng có thể phải đợi đến cuối năm 2021. Vì vậy, nếu dịch bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn trong những tháng đầu năm 2021, giá vàng sẽ ghi nhận xu hướng tăng.
Ở yếu tố kinh tế và địa chính trị, các gói kích thích mới dưới thời ông Biden có thể tác động tiêu cực tới giá vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dòng tiền tràn ngập thị trường vẫn sẽ giúp mọi loại tài sản tăng giá, gồm cả vàng.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu thế giới ổn định, giá vàng sẽ không có động lực để tăng. Ngược lại, nếu có diễn biến tiêu cực xảy ra những tháng đầu năm, đặc biệt tại Mỹ, giá vàng sẽ tăng lên. Giá vàng có thể tăng năm 2021 nhưng có vượt được mốc 2.000 USD hay không tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng lớn đến đâu và tâm lý nhà đầu tư thế nào.
Pháp luật Việt Nam