MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng Mỹ và phương Tây thất thu, hãng pin xe điện lớn thứ 4 thế giới 'bị dồn vào chân tường', tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp’

08-07-2024 - 14:26 PM | Tài chính quốc tế

Hãng cung ứng pin xe điện cho Ford và Volkswagen đang chìm trong thua lỗ khi nhu cầu về EV giảm tại Mỹ và châu Âu.

Khách hàng Mỹ và phương Tây thất thu, hãng pin xe điện lớn thứ 4 thế giới 'bị dồn vào chân tường', tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp’- Ảnh 1.

Hãng sản xuất pin xe điện Hàn Quốc SK On tuyên bố đang trong tình trạng khủng hoảng khi các khách hàng của công ty, bao gồm Ford và Volkswagen, đang phải vật lộn với doanh số bán xe điện đáng thất vọng ở châu Âu và Mỹ.

SK On là nhà sản xuất pin EV lớn thứ tư thế giới, sau CATL, BYD và LG Energy Solution. Hãng đã ghi nhận lỗ trong 10 quý liên tiếp kể từ khi tách từ công ty mẹ SK Innovation vào năm 2021. Nợ ròng của công ty đã tăng hơn năm lần, từ 2,9 nghìn tỷ won (2,1 tỷ đô la) lên 15,6 nghìn tỷ won trong cùng kỳ, vì doanh số bán EV ở phương Tây không đạt được kỳ vọng.

Khi tình hình thua lỗ ngày càng trầm trọng, CEO SK On Lee Seok-hee đã công bố một loạt các biện pháp cắt giảm chi phí và làm việc vào tuần trước. Ông gọi những nỗ lực này là “quản lý khẩn cấp”.

“Chúng ta đang bị dồn vào chân tường”, Lee viết trong một lá thư gửi cho nhân viên. “Chúng ta phải đoàn kết lại”.

Công ty SK Group cũng đang thảo luận các giải pháp quyết liệt hơn. Theo một nguồn tin thân cận với vấn đề này, một phương án đang được cân nhắc là SK Innovation sẽ được sáp nhập với SK E&S – một công ty con khác của SK Group, chuyên sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Việc sáp nhập này sẽ được thảo luận ở cấp hội đồng quản trị trong tháng này.

SK On đã mạnh tay đầu tư vào Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây dựa trên kỳ vọng nhu cầu xe điện sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, kể từ đó, công ty đã sa thải công nhân tại nhà máy ở tiểu bang Georgia của Mỹ, đồng thời trì hoãn khai trương nhà máy thứ hai tại Kentucky.

Theo công ty tư vấn SNE Research có trụ sở tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc CATL và BYD thống trị ngành công nghiệp pin toàn cầu, chiếm 53,2%. Hoạt động sản xuất và bán hàng của 2 hãng này vẫn tập trung ở thị trường trong nước.

Trong bối cảnh Washington và Brussels đang tìm cách ngăn chặn làn sóng pin nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất Hàn Quốc là LG, SK và Samsung SDI, cùng với Panasonic của Nhật Bản, đã có cơ hội tăng trưởng trong tương lai tại các thị trường phương Tây.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất pin không phải của Trung Quốc, bao gồm SK On, đã được hưởng lợi từ hàng tỷ đô la tiền trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden.

Nhưng Tim Bush, một nhà phân tích pin tại UBS có trụ sở tại Seoul, cho biết các nhà sản xuất pin của Hàn Quốc đã bị “thất vọng nặng nề” bởi các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Theo Bush, các hãng EV Mỹ đã thất bại trong việc sản xuất xe điện đủ hấp dẫn đối với người tiêu dùng đại chúng.

Đơn cử, General Motors vẫn dự báo sẽ bán được 1 triệu xe điện vào năm 2025. Tuy nhiên, hãng chỉ bán được 21.930 xe trong quý 2 năm nay, Bush lưu ý.

Bush cho biết: “Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc không mù quáng bởi họ đầu tư đều dựa trên số lượng đặt hàng với khối lượng và giá cố định”. “Nhưng các nhà sản xuất ô tô đã không đầu tư đủ vào sản xuất xe điện giá rẻ chất lượng cao”.

Tuy vậy, Bush vẫn nhận định: “Chừng nào SK Group tiếp tục coi SK On là ‘con cưng’ và hỗ trợ công ty vượt qua cơn bão hiện tại thì tương lai lâu dài của SK On vẫn sẽ được đảm bảo”.

Trong quý 1/2024, Model e – công ty con chuyên sản xuất EV của Ford, báo cáo khoản lỗ tăng vọt lên 1,3 tỷ USD, tương đương lỗ 132.000 USD/chiếc trong số 10.000 xe mà hãng đã giao. Trong khi đó, doanh số bán xe điện Volkswagen tại châu Âu đã giảm 24% trong quý 1.

Theo FT

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên