MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách sạn Phố cổ Hà Nội bất ngờ rao bán với giá hơn 500 tỷ đồng, môi giới khẳng định: "Đây là mức giá vỡ cực kỳ tốt"

28-06-2023 - 14:34 PM | Bất động sản

Khách sạn Phố cổ Hà Nội bất ngờ rao bán với giá hơn 500 tỷ đồng, môi giới khẳng định: "Đây là mức giá vỡ cực kỳ tốt"

Thời gian gần đây, hết biệt thự, nhà phố rầm rộ rao bán với giá hàng trăm tỷ đồng thì nay cũng nhiều khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội được rao bán với “giá vỡ” - tức chủ nhà vỡ nợ, giá giảm.

Đơn cử, cuối tháng 5, một khách sạn trên đường Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm có diện tích gần 330m2 gồm 9 tầng nổi và 2 tầng hầm, có tổng cộng 66 phòng rao bán với giá bán 22 triệu USD (hơn 500 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ đồng/m2).

Môi giới rao bán khách sạn này cho biết, chủ cần bán gấp do gặp vấn đề về dòng tiền. Khách sạn này đã được rao bán trước đó nhưng chưa bán được nên chủ quyết định giảm 25 tỷ đồng. Hiện khách sạn đang cho thuê trọn gói 330 triệu đồng/tháng (4 tỷ đồng/năm). “Đây là mức giá vỡ cực kỳ tốt do chủ cần bán gấp”, môi giới này chia sẻ.

Khách sạn Phố cổ Hà Nội bất ngờ rao bán với giá hơn 500 tỷ đồng, môi giới khẳng định: "Đây là mức giá vỡ cực kỳ tốt" - Ảnh 1.

Hay một khách sạn 4 sao khác cũng nằm trên đường Lương Ngọc Quyến có diện tích 350m2, được xây dựng 12 tầng, đang khai thác 68 phòng với nội thất cực sang trọng được rao bán với giá 400 tỷ đồng, tương đương 1,14 tỷ đồng/m2.

Một khách sạn khác nằm trên phố Hàng Bông có diện tích 325m2 với 13 tầng, tổng 91 phòng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng, tương đương 1,48 tỷ đồng/m2.

Bước sang 2023, hoạt động kinh doanh khách sạn được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ hưởng lợi từ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc thông qua việc nối lại các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng khách du lịch vẫn chưa hồi phục được so với thời điểm trước dịch. Hoạt động kinh doanh, nghỉ dưỡng cũng khôi phục chậm do kinh tế khó khăn khiến du khách cũng thắt chặt chi tiêu, nên giảm nhu cầu đi du lịch. Điều này làm gia tăng áp lực trong việc duy trì hoạt động vận hành khách sạn, đặc biệt với các chủ đầu tư vừa và nhỏ.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: “Nhu cầu du lịch của khách trong, ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này”.

Vị này cho rằng, chủ khách sạn cần có chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất, cải tạo khách sạn theo từng giai đoạn, tận dụng hiệu quả thời gian này.

Trước tình trạng khách sạn đang được rao bán, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - nhận định, các khách sạn đang rao bán, chuyển nhượng hầu hết thuộc đầu tư cá nhân, đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau dịch Covid-19 do du lịch bị hạn chế và gặp sức ép lãi vay. Thêm vào đó, phân khúc sản phẩm này cũng gặp cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.

Mặc dù phân khúc khách sạn vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên chuyên gia của CBRE đánh giá chung về triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam hiện nay rất khả quan, do cơ sở hạ tầng tiếp tục cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi cùng định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

Theo Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên