'Khát' nhân lực chất lượng cao
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là thực tế đang diễn ra tại các địa phương khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
- 25-09-2023Sẽ chuyển toàn bộ nhân sự, nợ gần 3 triệu USD của A0 về Bộ Công Thương
- 16-06-2023Cục Đường bộ dôi dư 19 nhân sự từng là phó cục trưởng, vụ trưởng
- 18-03-2023Cấp tập chuẩn bị nhân sự vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM
Lương “khủng” vẫn tìm không ra người
Từ cuối năm 2023, khi các hạng mục kỹ thuật cao của Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được triển khai, nhu cầu lao động chất lượng cao càng cấp thiết. Nhà thầu nước ngoài là Cty Ic Ictas Insaat Sanayi Ve Ticaret Anonim Sirketi (Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đồng Nai đề nghị hỗ trợ tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài.
Cụ thể, nhà thầu đề nghị tuyển lao động Việt Nam vào 31 vị trí công việc như đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, quản lý dự án, quản lý xây dựng, kỹ sư xây dựng, chuyên viên kế hoạch, trưởng phòng hành chính, trưởng phòng nhân sự… Với vị trí công việc đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, trưởng phòng dự án có mức lương cao nhất đến 400 triệu đồng/tháng, thấp nhất cũng 75 triệu đồng/tháng; với yêu cầu ít nhất 3 năm kinh nghiệm, có bằng đại học và thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, sau thời gian công khai tuyển dụng, hầu như không có ứng viên nào đăng ký.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Hữu Thành cho biết, dù chưa có cuộc làm việc chính thức từ phía các đơn vị có nhu cầu nhân lực, nhưng từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, định hướng cho người dân, học sinh các trường THPT trên địa bàn về nhu cầu, ngành nghề, cơ hội việc làm khi sân bay đi vào hoạt động.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần khoảng 13.000 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học, chiếm khoảng 40%. Nhu cầu lao động tập trung vào các nghề như khai thác thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật bay; sửa chữa bảo trì thiết bị; điều hành sân bay, quản lý xăng dầu, quản lý an ninh, thợ kỹ thuật, điện, vận tải hàng không, tài chính kế toán, công nghệ thông tin...
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề nan giải của nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp hỗ trợ, ngành chip vi mạch bán dẫn… PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng, thiếu nhân sự ngành bán dẫn đang là câu chuyện toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dự báo, trong 5 năm tới ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta cần khoảng 50.000 kỹ sư, riêng TPHCM là 40.000 người. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10 trường đại học lớn trên cả nước đào tạo những ngành phù hợp và ngành gần quy mô khoảng 80.000 người.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, mức thu nhập bình quân trong ngành vi mạch bán dẫn khá hấp dẫn. Với kỹ sư mới ra trường khoảng 244 triệu đồng/năm, chuyên gia dao động khoảng 1,5 tỷ đồng/năm (sau thuế). Tuy nhiên một trong những thách thức lớn nhất mà ngành đang phải đối mặt đó là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Liên kết đào tạo
Để có lao động có tay nghề, có chất xám, nhiều năm qua, Cty TNHH Cơ khí Thương mại Nhật Long (thành phố Thủ Đức, TPHCM) đã liên kết với Trường đại học Trà Vinh tuyển sinh viên năm cuối khối ngành kỹ thuật đến nhà máy thực tập. Ông Nguyễn Ngô Long - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, để giữ chân và xa hơn là thu hút nguồn lao động này, Công ty bao ăn ở, có trả lương cho thực tập sinh. Sau đó, với những sinh viên có nhu cầu, công ty sẽ giữ lại làm việc với mức lương hậu hĩnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM đã làm việc với Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) để tập trung giải quyết nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Ông Tuấn cũng đề xuất các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM nói chung và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói riêng tăng cường mở các chương trình đào tạo liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như công nghệ bán dẫn, kỹ thuật thiết kế vi mạch... Hội cũng sẽ kết nối các cộng đồng vi mạch bán dẫn với nhà trường, kết nối hợp tác DN quốc tế trong việc đào tạo và nghiên cứu sản xuất...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, để đáp ứng nguồn nhân lực cho dự án sân bay Long Thành, Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và Viện Khoa học - công nghệ hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng đề cương và dự thảo dự án đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao. Đến tháng 6/2023, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tại huyện Long Thành, Đồng Nai) đã ký hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet đào tạo 4 ngành nghề là nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không; nhân viên khai thác mặt đất. Năm học 2023-2024 sẽ đào tạo khóa đầu tiên.
Theo GS-TSKH Đặng Lương Mô, chuyên gia đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch phải hiểu biết sâu về thiết kế. Lĩnh vực này liên quan đến rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành sâu mà tiếng Việt không có từ tương đương, vì vậy đòi hỏi phải giỏi tiếng quốc tế chuyên ngành, cụ thể là tiếng Anh. Đồng thời, phải thuần thục sử dụng các phần mềm chuyên dụng, phải có nền kiến thức về điện và điện tử. Ngoài hiểu sâu về thiết kế, còn phải biết về chế tạo thì mới làm ra được sản phẩm hiệu quả.
ĐD
Tiền phong