MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Nhà nước là cổ đông

15-07-2016 - 17:49 PM | Doanh nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định sẽ sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp (DN).

Đồng thời, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cùng với tiến trình cổ phần hóa, những bất cập trong quá trình bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý, điều hành DN Nhà nước nắm giữ hoặc chi phối cổ phần trong thời gian vừa qua... cho thấy đòi hỏi cấp bách về tính minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý vốn nhà nước, nhất là thông lệ hành xử của cổ đông Nhà nước tại các công ty cổ phần (CTCP).

Không có ngoại lệ cho cổ đông Nhà nước

Có thể liệt kê ra rất nhiều DN có cổ đông nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là cơ quan quản lý ngành. Đó có thể là các tổng công ty (TCT) sau cổ phần hóa có vốn nhà nước do Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông... quản lý, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện sở hữu vốn; các TCT có vốn nhà nước do UBND tỉnh, thành phố quản lý… Tình trạng các bộ và UBND tỉnh, thành phố thực hiện đồng thời cả ba chức năng: quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực; chủ quản cấp trên đối với DN và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN còn rất phổ biến.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, yêu cầu của việc quản lý vốn nhà nước là phải có tính chuyên nghiệp cao, kỹ trị tốt, có năng lực chuyên môn và nhiều điều kiện khác. Mô hình cơ quan hành chính không thể giải quyết được những yêu cầu đó. Hơn nữa, cơ chế kinh tế thị trường buộc chúng ta phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh. Rất nhiều trường hợp cơ quan hành chính quản lý vốn nhà nước thực chất tạo ra các DN sân sau, tham nhũng... “Vì vậy chúng ta phải đoạn tuyệt với cơ chế quản lý hành chính, tách bạch chức năng quản lý và chủ sở hữu”, chuyên gia Ngô Trí Long thẳng thắn nêu quan điểm.

Ông Long cũng dẫn lại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của BCH Trung ương Đảng khóa IX gần 20 năm trước đây với chủ trương thành lập một tổ chức tài chính đặc biệt của Nhà nước (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC sau này) với mục tiêu tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN.

Thực hiện chức năng chủ sở hữu có rất nhiều điểm khác biệt với chức năng quản lý nhà nước mà nếu áp dụng nguyên tắc, quy trình, con người của quản lý nhà nước vào thực hiện chức năng chủ sở hữu mà không có sự điều chỉnh sẽ dẫn đến thất bại, cản trở sự phát triển của DN và gây bức xúc, phản ứng với các nhóm cổ đông khác trong doanh nghiệp. Đã từng tham gia HĐQT với tư cách thành viên độc lập ở một số DN có vốn nhà nước chi phối sau cổ phần hóa, TS Lê Đăng Doanh nhận xét rằng, tư duy quản lý nhà nước vẫn chi phối và thể hiện trong hầu hết các quyết định của cổ đông này. Đơn cử, ở nhiều DN có tỷ lệ cổ phần Nhà nước lớn, cơ quan đại diện vốn nhà nước áp đặt các quyết định về đầu tư, nhân sự, phân bổ lợi nhuận… mà không coi trọng ý kiến của các nhóm cổ đông khác trong DN. Trong khi đó, Nhà nước là cổ đông, có mọi quyền và lợi ích hợp pháp như các cổ đông khác và cũng phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp như các cổ đông khác.

Một thí dụ được các chuyên gia phân tích cho thấy cách hành xử duy ý chí, không tuân thủ luật pháp sẽ bị phản ứng như thế nào. Nhóm cổ đông sở hữu gần 20% số cổ phần tại CTCP Thủy điện Nà Lơi đã gửi đơn khiếu nại tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, thậm chí dự kiến khởi kiện ra tòa bởi Tổng công ty Sông Đà sở hữu 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tại cả CTCP Thủy điện Nà Lơi và CTCP Thủy điện Cần Đơn bỏ phiếu sáp nhập hai đơn vị này tại Đại hội cổ đông năm 2013 của Nà Lơi. Trong khi, theo quy định tại Điều 120 Luật Doanh nghiệp và Điều 33 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Nà Lơi, TCT Sông Đà không được tham gia biểu quyết (vì có quyền lợi liên quan).

Phát huy vai trò cổ đông của Nhà nước

Chủ trương của Nhà nước về việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN, ngành nghề không cần nắm giữ đang rất quyết liệt. Điều này đồng nghĩa với việc các DNNN quy mô lớn như Tập đoàn, TCT tới đây sẽ cổ phần hóa và Nhà nước sẽ phải thực thi vai trò cổ đông của mình. Câu hỏi đặt ra là phương thức quản lý của Nhà nước sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng với vai trò cổ đông đó?

Theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông Nhà nước tại các công ty cổ phần có các quyền và lợi ích ngang bằng với các cổ đông khác. Lúc này, Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò là một cổ đông trong DN, chứ không phải cơ quan quản lý cấp trên như lâu nay. Là cổ đông, Nhà nước tham gia vào các quyết định kinh doanh và nhân sự của DN nhưng chỉ tương ứng với tỷ lệ vốn Nhà nước tại DN đó. Đồng thời, cổ đông Nhà nước chia sẻ với các cổ đông khác mục tiêu chung là hiệu quả hoạt động của DN, sự gia tăng giá trị của DN và giá trị cổ phiếu trên thị trường.

Hãy hình dung Nhà nước hay cơ quan đại diện vốn nhà nước trong trường hợp này như những nhà quản lý quỹ đầu tư. Với danh mục đầu tư lên tới hàng trăm DN, họ chắc chắn sẽ phải phân loại danh mục theo các nhóm DN đáp ứng theo từng nhóm tiêu chí khác nhau để có giải pháp quản lý phù hợp. Đơn cử như nguyên tắc bị động và chủ động của các quỹ đầu tư (DN tốt, quỹ đầu tư ít phải can thiệp, tham gia sâu vào hoạt động và ngược lại).

Cũng theo Luật Doanh nghiệp, DN được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Nguyên tắc này khác biệt với nguyên tắc “chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” của các cơ quan công quyền. Như vậy, nếu Nhà nước là cổ đông, đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN cũng sẽ phải tôn trọng nguyên tắc này trong quá trình tham gia vào hoạt động của DN. Mặt khác, các ý tưởng kinh doanh cũng đòi hỏi thời gian xử lý nhanh với nhiều phương án khác nhau thì DN mới có thể nắm bắt các cơ hội trên thị trường. Vì vậy, cá nhân hay tổ chức đại diện cho cổ đông Nhà nước cũng cần một cơ chế linh hoạt và thông thoáng để tiếng nói của cổ đông Nhà nước không ảnh hưởng tới tính kịp thời và hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định của DN, dựa trên sự tuân thủ pháp luật và các thông lệ quản trị DN hiện đại.

Một điểm khác biệt nữa đó là mối quan hệ tương tác giữa cổ đông Nhà nước với các cổ đông khác. Theo chuyên gia Ngô Trí Long, cổ đông Nhà nước cần tôn trọng các cổ đông thiểu số, hợp tác với các cổ đông thiểu số chứ không phải cứ cổ đông Nhà nước, cổ đông lớn nhất là có toàn quyền ra quyết định như khi nắm vai trò quản lý nhà nước. Việc hợp tác với các cổ đông để giúp DN tốt lên không phải bao giờ cũng là việc dễ dàng.

Nhìn vào không ít DN có nhiều bất cập, mâu thuẫn nội bộ, yếu kém mà SCIC phải xử lý trong những năm qua để thấy không phải lúc nào đóng vai chủ sở hữu vốn nhà nước cũng là "quả ngọt". CTCP Du lịch Đồ Sơn có 51% vốn nhà nước, sau khi cổ phần hóa hai năm không thực hiện được Đại hội cổ đông thường niên do khiếu kiện giữa các nhóm cổ đông xảy ra triền miên, DN có nhiều quỹ đất ở vị thế đắc địa nhưng chủ yếu cho thuê mặt bằng với các hợp đồng được ký rất tùy tiện.

Tiếp nhận vốn nhà nước tại DN, SCIC đã phải cử cán bộ biệt phái về DN, rà soát lại và chấn chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh. TCT này sau đó phải đối mặt với đơn kiện tứ tung của các nhóm cổ đông trong DN do họ bị đụng chạm quyền lợi, thậm chí đại hội cổ đông thường niên năm 2015 có nguy cơ bị phá nửa chừng nếu chủ tọa là cán bộ SCIC không nắm vững luật. Với rất nhiều tâm sức của SCIC, Du lịch Đồ Sơn đã cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và năm 2015, SCIC đã thoái vốn thành công với giá trị thu về gấp 35 lần giá trị sổ sách.

Rõ ràng, cơ chế thị trường và hội nhập giữa các nền kinh tế, cùng với sự chuyển động nội tại của khu vực kinh tế nhà nước, vai trò của cổ đông Nhà nước đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ. Để trở thành cổ đông năng động của các DN, tổ chức đại diện sở hữu vốn nhà nước không thể thiếu tính kỹ trị, sự chuyên nghiệp cao theo nguyên tắc thị trường và những chuẩn mực quản trị DN tiên tiến.

Theo Lương Hân

Báo Nhân dân

Từ Khóa:
Trở lên trên