MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi về hưu, khoản tiền người lao động đóng BHTN giải quyết thế nào?

Hiện quy định về trợ cấp thất nghiệp còn khá nhiều bất cập, khiến người lao động cảm thấy không có lợi, nhất là với những trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho đến lúc nghỉ hưu.

Ông Trần Long Thuận - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam (chuyên gia công đồ may mặc thể thao xuất khẩu tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, TP HCM), cho biết do tác động của dịch bệnh và ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, từ năm 2021 đến nay, công ty đã giảm số lao động từ gần 12.000 công nhân, chỉ còn khoảng 2.700 công nhânn. Vì vậy, thời gian qua, số lượng người lao động của công ty sau khi nghỉ việc làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông. 

Trong quá trình làm hồ sơ, người lao động đã phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến BHTN. Đó là việc quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng hiện nay không có lợi cho những lao động làm việc lâu năm (khi đã đóng BHTN trên 12 năm ) do số năm đóng dư không được tính và bảo lưu.

Khi về hưu, khoản tiền người lao động đóng BHTN giải quyết thế nào? - Ảnh 1.

Mặt khác, nhiều lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng thắc mắc khoản tiền họ đóng BHTN được giải quyết như thế nào vì không thể hưởng song song cả BHTN và lương hưu? Về vấn đề này, công ty đã hỏi cơ quan BHXH và được trả lời rằng khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu người lao động làm hồ sơ hưởng lương hưu trước thì sẽ không được hưởng chế độ BHTN. 

Còn nếu người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì khoan làm hồ sơ hưởng lương hưu, thay vào đó họ sẽ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trước. Từ đó, công ty đã tư vấn cho người lao động để họ tính toán giữa trợ cấp thất nghiệp và lương hưu, cái nào lợi hơn thì làm tuy nhiên điều này chưa hẳn làm hài lòng người lao động.

Về vấn đề này, Luật sư Phan Thị Lan (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết thời gian qua, nhiều người lao động đến tư vấn cũng thắc mắc nếu họ hưởng chế độ hưu trí thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không vì họ đã đóng BHTN rất nhiều năm?. 

Bên cạnh đó, một số trường hợp cũng cho rằng khoảng thời gian họ đóng dư ra không được bảo lưu và sẽ phải đóng lại từ đầu sau khi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này cũng khiến người lao động cảm thấy thiệt thòi. 

ì vậy, bà Lan cho rằng dù BHTN được xây dựng trên quy tắc chia sẻ, đóng hưởng nhưng cũng cần xét đến những lao động đã có quá trình đóng BHTN cho đến lúc nghỉ hưu, đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nên không hưởng BHTN. Trong trường hợp này, người lao động cảm thấy khoản tiền mình đóng cho BHTN nhiều năm liền bị mất đi. 

"Vì vậy, tôi cho rằng cần có quy định bổ sung quyền lợi nếu người lao động tham gia BHTN cả quá trình lao động mà cho đến lúc nghỉ hưu không hưởng BHTN lần nào thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp thất nghiệp. Khoản trợ cấp này sẽ được tính toán để đảm bảo quy tắc chia sẻ nhưng vẫn không khiến người lao động thấy thiệt thòi. Có như vậy, người lao động mới không tính đến việc nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chờ rút BHXH một lần và tích lũy số năm đóng BHXH, BHTN cho tới lúc nghỉ hưu" - bà Lan kiến nghị.

Theo N.Hoàng

Báo Người Lao Động

Trở lên trên