Khó khăn bủa vây, làm sao để doanh nghiệp "dễ thở" hơn?
Doanh nghiệp phải "tự cứu mình" trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phải lựa chọn quy trình, đổi mới mô hình, đặc biệt là chuyển đổi xanh, đẩy mạnh liên kết...
- 19-07-2023Thủ tướng: Tránh phiền hà, sách nhiễu, chống tham nhũng, tiêu cực trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp
- 19-07-20232 doanh nghiệp trúng đấu giá 2 mỏ cát gần 194 tỷ đồng
- 19-07-2023Cơ hội xuất khẩu gạo và những cảnh báo cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam
Phát biểu tại "Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" sáng nay (19/7) tại Hà Nội, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF),... đều cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ở mức thấp, phổ biến ở mức 2-3%. Theo đó, triển vọng phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, TS. TS. Trần Thị Hồng Minh cho hay.
Suy giảm đáng kể tổng cầu
Theo Viện trưởng CIEM, ở trong nước, những năm gần đây, dư địa của mô hình tăng trưởng truyền thống – dựa chủ yếu trên mở rộng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông – đã suy giảm đáng kể. Bối cảnh này đã đặt ra rủi ro về "bẫy thu nhập trung bình" nếu Việt Nam không sớm tìm được những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cộng hưởng với khó khăn từ suy giảm tổng cầu của thế giới, các cấu phần của tổng cầu trong nước như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư công cũng đang gặp khó khăn không nhỏ.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tương ứng tăng 1,15%, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài. "Chúng ta cần có một nền kinh tế tự chủ, độc lập, tư cường để dù có những biến động nào chúng ta cũng đều có thể chủ động kiểm soát", TS. Trần Thị Hồng Minh nói.
Cũng theo chia sẻ của Viện trưởng CIEM, nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt, thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay, trước mắt, phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế.
"Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật, đây là một bước tiến rất lớn, tuy nhiên, khi nhìn nhận trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia, nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn, quá trình vận hành thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp…", TS. Trần Thị Hồng Minh nêu rõ.
Từ thực tế đã nêu, để giải quyết những vướng mắc, bất cập mà chính sách đem lại, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Các Hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật,… "Nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay, sẽ là hành lang pháp lý ổn định để doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển", TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
Giảm tải gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Còn theo đánh giá của GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, doanh nghiệp gặp khó khăn khá toàn diện, tức khó khăn chung tới các nhóm ngành, không riêng nhóm doanh nghiệp nào.
Phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường đặt vấn đề: Trong khi đầu vào không quá khó khăn như giai đoạn trước. Vậy vấn đề khó khăn là gì?
GS.TS Hoàng Văn Cường nhận đinh, chính sách tài khoá hiện được doanh nghiệp đồng tình nhưng ngoài ra các phần như bảo hiểm xã hội, công đoàn… doanh nghiệp phải đóng hơn 30% cho các chi phí này là gánh nặng, làm doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh khó khăn. Do đó, phải phân tích kỹ và tính đến giãn hoãn, thậm chí cắt giảm các chi phí này.
Cùng với đó, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần nới lỏng các vấn đề về quản lý; phải kiểm soát các quy chuẩn nhưng trong một mức nào đó. "Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải "nới lỏng" các điều kiện bên trong. Tôi cảm nhận thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó bên trong cũng "thắt". Nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao", ông Cường nêu thực tế.
Một vấn đề nữa mà GS.TS Hoàng Văn Cường đề cập, đó là vấn đề lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất , tuy nhiên đã thực sự là thấp đối với doanh nghiệp hay chưa? Chính sách lãi suất cần tính đến, còn dư địa trong ngân hàng để hạ lãi suất cho khu vực doanh nghiệp ưu tiên. "Chính sách tài khoá cần hướng sang hỗ trợ tốt hơn cho giảm lãi suất vay, tạo sức mạnh hỗ trợ doanh nghiệp", ông Cường chỉ rõ.
Bên cạnh đó, GS.TS Hoàng Văn Cường lưu ý: Bản thân doanh nghiệp phải "tự cứu mình" trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phải lựa chọn, lược bỏ những điểm không phải thể mạnh, sử dụng những quy trình, đổi mới mô hình, đặc biệt là chuyển đổi xanh, liên kết doanh nghiệp...
VOV