Khó thực thi xử lý xâm phạm nhãn hiệu
Công ty Cổ phần Vinpearl khẳng định công ty và Tập đoàn Vingroup không có bất cứ dự án hay nền tảng nào có tên là “VinPearl E+ Nền tảng đầu tư mới 4.0”. Ảnh: Giao diện “Nền tảng Vinpearl E+”
Số liệu thống kê cho thấy, ước tính mỗi năm có đến hàng ngàn vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
- 14-10-2022Viettel chính thức ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud
- 14-10-2022Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đã đạt đến “điểm nghẽn”
- 14-10-2022Người dân có bắt buộc phải cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID hay không?
Đặc biệt, trên môi trường mạng, với đặc thù không tiếp xúc và nhiều chiêu ẩn danh để dễ dàng lừa đảo.
Những thủ đoạn phổ biến
Theo luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, từ thực tế các vụ việc đã xảy ra, có thể nhận diện bốn chiêu thức, thủ đoạn thường dùng của tội phạm.
Đầu tiên là mượn pháp nhân của chính doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng (được nhiều người biết đến) để sử dụng trái phép logo, thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp đó đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ , bằng thủ đoạn thiết lập các trang web, tài khoản, trang, nhóm, kể cả nền tảng mới để quảng bá, mời chào bằng những lời có cánh, hấp dẫn, kêu gọi đầu tư trái phép vào những dự án ảo, nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của thủ đoạn này thường là những nhà đầu tư thiếu thông tin.
Điển hình như vụ của Công ty Cổ phần Vinpearl mới đây bị bọn tội phạm sử dụng trái phép logo, thương hiệu và hình ảnh trên các nền tảng xã hội, để quảng bá các dự án “ma”, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chiêu thức thứ hai là dùng chính pháp nhân của mình để đánh cắp bản quyền nhãn hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp đã đăng ký và được bảo hộ quyền sở hữu, “hô biến” thành tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để khai thác trục lợi thông qua các nền tảng mạng xã hội. Nạn nhân của chiêu thức, thủ đoạn này cũng là những đối tượng thiếu thông tin chính thống về chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu.
Thứ ba, tội phạm sử dụng các dấu hiệu nhận biết trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó đã được bảo hộ, khiến người sử dụng dễ nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Điển hình cho thủ đoạn này theo luật sư Nguyễn Đức Biên là vụ án hình sự “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với bia SaiGon VietNam xảy ra tại ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vào tháng 9/2020.
Thứ tư là lợi dụng quy định của Luật SHTT không bắt buộc nhãn hiệu nổi tiếng đăng ký quyền sở hữu tại Cục SHTT hoặc trong khi mở rộng thị trường đầu tư và kinh doanh một số doanh nghiệp đã “quên” xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ tài sản SHTT, trong đó có nhãn hiệu; một số tổ chức, cá nhân đã “nhanh chân” nộp đơn đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu đó. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đánh mất thương hiệu, hoặc phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức để “đòi” lại nhãn hiệu và khẳng định lại thương hiệu.
Tăng chế tài xử lý để răn đe
Để ngăn chặn loại tội phạm này, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt ưu tiên tháo gỡ những rào cản trong tổ chức thực thi các hình thức chế tài để răn đe tội phạm. Cụ thể:
Cần sửa đổi, bổ sung các quy định điều chỉnh quyền sở hữu nhãn hiệu tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu dễ dàng tiếp cận và phát huy có hiệu quả quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.
Đó là khi chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc người đại diện ủy quyền chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phát hiện có hành vi vi phạm và có đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý kịp thời; mà không nhất thiết phải chờ đủ 30 ngày để chủ thể có đơn yêu cầu cung cấp đầy đủ chứng cứ và thông tin xác định (như theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 25).
Liên quan đến rào cản chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu được quy định tại Điều 226 BLHS năm 2015, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đường lối xử lý hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, sản phẩm; trong đó làm rõ 2 thuật ngữ: “giả mạo nhãn hiệu” và “quy mô thương mại” theo hướng có nội hàm dễ nhận diện và không bị nhầm lẫn sang đối tượng điều chỉnh khác.
Theo luật sư Tuấn, việc giải thích dấu hiệu “với quy mô thương mại” có thể xác định dựa trên giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc thu lợi bất chính từ việc mua bán các loại mặt hàng này.
“Đặc biệt là cơ chế để chứng minh ngưỡng giá trị gây thiệt hại đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, phải được quy định bằng phương pháp xác định giá trị nhãn hiệu thương mại chuyên biệt mang tính đặc thù, có tiêu chí nhận diện không quá phức tạp, để cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng thực hiện điều tra, truy tố và xét xử…”, luật sư Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Diễn đàn Doanh nghiệp