MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó trụ với "3 tại chỗ", doanh nghiệp chật vật tìm cách xoay sở để "sống sót"

Vượt qua nhiều "cửa ải" khó khăn để áp dụng "3 tại chỗ" duy trì sản xuất, song nhiều doanh nghiệp không khỏi hoang mang lo lắng khi xuất hiện F0, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất áp lực và lúng túng khi áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ) trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, ca nhiễm mới gia tăng.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong số 85 doanh nghiệp tham gia khảo sát, hiện nay số doanh nghiệp đã dừng sản xuất “3 tại chỗ” do đã có F0 lên tới 6%. Có 16% doanh nghiệp đã dừng áp dụng “3 tại chỗ” dù chưa có ca F0.

Khó trụ nổi với "3 tại chỗ"

Trao đổi về vấn đề sản xuất “3 tại chỗ”, ông Phạm Ngọc Phước – Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture chia sẻ: "Chúng tôi làm "3 tại chỗ" không phải vì lợi ích của doanh nghiệp vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều nhưng vẫn chọn phương án này vì có duy trì sản xuất thì công nhân mới có thu nhập".

Ông Phước cho biết, để triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ”, DN này phải trải qua 4 "ải" lớn: Thứ nhất là sự đồng thuận của người lao động; thứ hai là test Covid-19 đầu vào, nếu có F0 từ đầu coi như "nghỉ cuộc chơi"; thứ ba là lo chỗ ăn uống, ngủ nghỉ cho người lao động; thứ tư là nguyên vật liệu đủ cho sản xuất.

Tại buổi toạ đàm trực tuyến mà Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) vừa tổ chức, ông Lê Xuân Tân - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ và giải thích rằng để khi có vấn đề gì thì phải xuống ngay phân xưởng. Qua màn hình trực tuyến, ông Tân cho thấy những hình ảnh của DN đang thực chế độ "3 tại chỗ" với những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, theo các lớp như hàng rào tôn, dây thép gai..., đến khu sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho người lao động, khu vực bố trí dành riêng cho F0…

"Chi phí để doanh nghiệp đầu tư thực hiện "3 tại chỗ" rất tốn kém. Chúng tôi đã thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của người lao động với tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trước khi vào sản xuất theo mô hình này chúng tôi đều test nhanh, test PCR, có người được test tới 5 lần", ông Tân cho biết.

Đại diện một số DN sản xuất tại Bình Dương bày tỏ lo lắng vì đã có những ca F0 trong các DN thực hiện "3 tại chỗ". Theo ông Bùi Như Việt - Tổng Giám đốc Công ty Long Việt, trước khi triển khai "3 tại chỗ" DN đã thực hiện test đầu vào toàn bộ người lao động có kết quả âm tính. "Không biết Covid-19 xâm nhập vào doanh nghiệp bằng cách nào", ông Việt băn khoăn.

Lãnh đạo công ty An Khang Furniture cho rằng, không thể kéo dài "3 tại chỗ" được vì người lao động có nhiều lý do để bỏ cuộc, nên việc giữ chân họ là rất khó. Mỗi khi có ca F0 là người lao động vô cùng hoang mang, lo sợ, và bản thân doanh nghiệp cũng rất khó xử lý.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện “3 tại chỗ” nghĩa là sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ và phải đảm bảo các yêu cầu về: Phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định; đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động...

Doanh nghiệp "3 tại chỗ" cần trợ lực 

Thực tế cho thấy, nếu các doanh nghiệp không thể "sống sót" và duy trì sản xuất thì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.

Nỗ lực vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, nhiều doanh nghiệp đã và đang có những đề xuất, kiến nghị gửi Chính phủ, các đơn vị chức năng mong muốn có thêm giải pháp, sức mạnh để duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Phú Vinh, Giám đốc Công ty Kim Vĩnh Phú (Bình Dương) chia sẻ quan điểm, khi áp dụng "3 tại chỗ", dù ban đầu doanh nghiệp có xét nghiệm rất kỹ cũng không tránh khỏi việc có thể xuất hiện các ca nhiễm.

"Nếu có ca F0 trong nhà máy "3 tại chỗ" thì ngành chức năng, dư luận hãy giảm bớt gánh nặng pháp lý, gánh nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn kịp thời các phương án xử lý vì nhiều khi doanh nghiệp cũng lúng túng không biết làm thế nào", ông Vinh nêu ý kiến.

Đối với những doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ", lãnh đạo doanh nghiệp này cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phần nào chi phí xét nghiệm vì chi phí này khá tốn kém.

Mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nhiều nội dung cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Trong đó, VITAS chưa rõ đối với doanh nghiệp bố trí phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng từ 60 - 70% người lao động không đồng ý ở lại công ty do sợ bị lây lan, thì số lao động này có được hưởng trợ cấp của Nhà nước hay không.

VITAS đề xuất đưa số lao động này vào đối tượng được hỗ trợ vì nếu áp dụng theo quy định (không được trả lương ngừng việc), người lao động sẽ gặp khó khăn, trong khi dịch bệnh đang lây lan nguy hiểm, tâm lý lo lắng của người lao động là có thể hiểu được. Trường hợp nếu doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc thì thực sự có những doanh nghiệp không thể đủ khả năng chi trả.

Đó là chưa kể, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc. Khi doanh nghiệp mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rât lớn, phải bố trí làm ngoài giờ để giải quyết các đơn hàng tồn đọng..../.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên