Khoản nợ 1.000 tỷ USD và “cây gậy lớn” của ông Trump với Trung Quốc
Mỹ đang nợ Trung Quốc 1.000 tỷ USD nhưng Tổng thống Trump không vì thế mà nhún nhường trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà ngược lại, nó còn khiến ông Trump cứng rắn hơn.
- 10-04-201716 nước bị Tổng thống Trump điều tra về thâm hụt thương mại, châu Á chiếm hơn nửa
- 10-04-2017Tổng thống Trump đang "mắc kẹt"?
- 09-04-2017Tiễn Chủ tịch Trung Quốc, ông Trump ra tay với Bắc Kinh?
- 09-04-2017‘Ngoại giao cháu ngoại’ của ông Trump lấy lòng Trung Quốc
- 08-04-2017Nội chiến dai dẳng trong chính quyền Tổng thống Trump
Hãy quên đi cái bắt tay nồng ấm cùng những câu trả lời phỏng vấn về “mối quan hệ rất, rất tuyệt vời” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Suy nghĩ cho rằng Washington đã giải quyết những khác biệt với Bắc Kinh sau hình ảnh hai nhà lãnh đạo chia nhau miếng thịt bò bít tết ở Florida là điều gì đó thật hão huyền.
Phía Trung Quốc chắc chắn hy vọng lời chào mừng nồng ấm của ông Trump là có thật. Trên thực tế, nếu chiến tranh kinh tế nổ ra, Trung Quốc sẽ là phía gánh nhiều thiệt hại hơn so với Mỹ. Điều này nghe có vẻ phi thực tế bởi Bắc Kinh có thể sử dụng vũ khí “hạt nhân kinh tế” để đối phó với Mỹ nếu ông Trump áp dụng các rảo cản thương mại với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ đang nợ Trung Quốc hơn 1.000 tỷ USD dưới dạng trái phiếu kho bạc Mỹ. Món nợ này đủ để Trung Quốc đưa kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nếu quyết định bán phá giá chúng. Tuy nhiên, “hạt nhân kinh tế” cũng chẳng khác gì so với vũ khí hạt nhân thông thường. Khi tên lửa đạn đạo được bắn đi cùng với đầu đạn hạt nhân, sẽ không bên nào có thể giành chiến thắng. Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho Mỹ nhưng cũng sẽ tự hủy hoại chính mình.
Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc là ví dụ điển hình của câu ngạn ngữ: “Nếu bạn nợ ngân hàng 1.000 USD, bạn có vấn đề; Nếu bạn nợ ngân hàng 1.000 tỷ USD, ngân hàng sẽ có vấn đề”. Lúc này, ông Trump đang giữ trong tay những quân bài quan trọng và chắc chắn sẽ dùng chúng khi bắt buộc phải dùng.
Cái bắt tay nồng ấm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Brian Davidson của Công ty Tư vấn Fathom, Mỹ chỉ ra rằng, phía Trung Quốc rất muốn tránh tình trạng bất ổn xã hội và chính trị mà cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể gây ra. Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ theo cách mà Mỹ lại không chịu ràng buộc mấy từ Trung Quốc. Gần 4% GDP của Trung Quốc tới trực tiếp từ xuất khẩu sang Mỹ trong khi ở chiều ngược lại là 1%. Trong khi đó, một số nước khác có thể cung cấp cho Mỹ những mặt hàng do Trung Quốc sản xuất nhưng Trung Quốc sẽ gặp vấn đề thực sự khi tìm kiếm giải pháp thay thế cho thị trường xuất khẩu như Mỹ.
Cũng theo Davidson, ông Trump đã bày tỏ một cách thẳng thừng và thường theo cách ồn ào về việc ông ta không vui vẻ với cách Trung Quốc quản lý hoạt động thương mại của mình. Quan điểm của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại là cần tăng cường luật pháp quốc tế bởi sự vi phạm có hệ thống của Trung Quốc với các nghĩa vụ mà Tổ chức Thương mại Thế giới đã quy định. Mỹ có cơ hội để mở và giành chiến thắng trong các vụ kiện chống lại Trung Quốc ở WTO.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng mong đợi ông Trump sẽ hạ giọng trong các lập trường chống Bắc Kinh thông qua các cuộc đàm phán và lời hứa mơ hồ về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, điều này dường như là chưa đủ. Ông Trump coi thâm hụt thương mại 350 tỷ USD mỗi năm với Trung Quốc là mục tiêu giải quyết trong 4 năm nhiệm kỳ.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc xảy ra ngay sau khi ông Trump ra lệnh bắn tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu quân sự của chính phủ Syria. Sự trùng hợp, dù vô tình hay cố ý, cũng truyền đi thông điệp rằng “sự kiên quyết của ông Trump khiến ông trở nên khó đoán định”.
Vậy Bắc Kinh sẽ làm gì để ngăn chặn ông Trump áp mức thế 45% với tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc? Câu trả lời có thể là ông Tập sẽ loại bỏ rào cản để các công ty công nghệ cao của Mỹ có thể xuất khẩu dễ dàng hơn sang Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ còn có thể tiến hành chủ nghĩa bảo hộ trong một số ngành, chẳng hạn như thép, vốn là vấn đề nhạy cảm chính trị ở những bang tranh chấp đã mang lại thắng lợi cho ông Trump.
Những tháng gần đây, ông Trump dường như không còn đề cập tới việc Trung Quốc “cưỡng bức” Mỹ. Dường như ông chủ Nhà Trắng đã học được bài học lớn từ người tiền nhiệm Teddy Roosevelt: “Hãy nói nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn”.