MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoảng trống quản lý đất công

28-09-2020 - 08:10 AM | Bất động sản

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đã đến lúc cần phải tổng rà soát lại loại hình đất công, đặc biệt tại các đô thị lớn. Trường hợp phát hiện trái pháp luật, Nhà nước phải thu hồi lại ngay.

Mù mờ, tùy tiện

TAND TPHCM vừa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với nhiều bị cáo là cựu quan chức ở TPHCM. Đây không phải lần đầu các cựu quan chức vướng vòng lao lý vì liên quan đến nhà, đất công. Phải chăng ở đây có khoảng trống nào đó trong quản lý đất công, thưa ông?

Trước tiên, có thể nói pháp luật Việt Nam có khiếm khuyết khi không định nghĩa thế nào là đất công, không có ranh giới giữa đất công và đất tư. Điều này đã lộ rõ khoảng trống pháp luật rất lớn về quản lý đất công, khi thuật ngữ này không được định nghĩa trong pháp luật về đất đai. Chính vì sự mù mờ về nội hàm khái niệm đất công, dẫn đến thực trạng người có thẩm quyền có thể giao đất công cho nơi này nơi kia.

Đồng thời chúng ta phải định nghĩa pháp lý về đất công. Đơn giản đất công là không được sử dụng vào mục đích tư nhân, không do tư nhân sử dụng. Còn đất tư là đất đang được tư nhân sử dụng. Chế độ quản lý đất tư, đất công phải rành mạch, rõ ràng. Phải quy định thật chặt quy trình đưa đất công thành đất tư, tránh để bị lợi dụng, chiếm đoạt.


Tuy nhiên, nguyên tắc đưa đất công vào thị trường cũng đã được xác định ngay từ Luật Đất đai 2003, tức phải đấu giá, đấu thầu dự án tùy trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng tôi còn nhớ vào thời điểm đó đã có nhiều ý kiến đưa lên Bộ TN&MT, và tận Chính phủ. Nhiều luật sư cho rằng, đất chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB), không thể đấu giá đất khi đang có người sử dụng. Còn đất đã được GPMB (đất sạch) dứt khoát phải qua đấu giá.

Thế nhưng, tư duy thực thi pháp luật ở Việt Nam vẫn còn tình trạng một số người coi người có thẩm quyền thì có thể quyết định kiểu gì cũng được, không căn cứ vào luật pháp. Chính vì vậy trong thời gian thực thi Luật Đất đai 2003, nhiều tỉnh thành vẫn cứ giao trực tiếp, kể cả với đất công đã được GPMB rồi. Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cũng quyết như vậy, không căn cứ vào các quy định của pháp luật, dẫn tới tình trạng thất thoát đất công rất rất nhiều.

Căn cứ nào để chúng ta xác định xảy ra tình trạng thất thoát “rất rất nhiều” đất công như vậy, thưa ông?

Vào thời kỳ trước năm 1991, lượng đất công và tài sản công trong nam ngoài bắc cực kỳ nhiều, chiếm tỷ trọng rất cao. Rồi người ta cứ thi nhau quyết theo thẩm quyền, dẫn đến thất thoát rất lớn bằng cách này hay cách khác. Có thể người ta làm dưới dạng công tư hợp doanh, rồi dần dần biến của công thành của tư sau khi bên tư “làm việc” với người có thẩm quyền. Cũng có thể họ quyết định cho chuyển sang khu vực tư nhân. Kể cả doanh nghiệp được quản lý đất công cũng tìm đủ mọi cách, chẳng hạn cho thuê dài hạn, rồi dần dần bị tư nhân hóa.

Nếu lấy lại bản đồ từ thời điểm năm 1991 để so sánh sẽ biết được diện tích đất công tại các đô thị lớn bị mất bao nhiêu. Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài hay Nguyễn Hữu Tín cũng chỉ là một ví dụ thôi, còn tổng lượng đất công bị mất đi cực kỳ lớn.

Miếng mồi béo bở

Ông thấy sao khi trong vụ án liên quan, luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho cựu quan chức Nguyễn Thành Tài?

Qua theo dõi, cá nhân tôi thấy vụ việc này chưa làm rõ được đằng sau chuyện thất thoát ấy có sự chia chác, tư túi cá nhân không và nếu có là bao nhiêu. Tất nhiên, đất vẫn nằm đó, không thể biến mất được, nên khi phát hiện sai phạm, nhà nước có quyền thu hồi lại. Nhưng thu hồi không có nghĩa là anh không có tội.

Trong trường hợp này có thể có tình tiết giảm nhẹ. Song luật sư bảo vệ cho thân chủ cũng phải lập luận trên cơ sở luật pháp chứ không thể “cãi lấy được”. Lưu ý, phiên tòa này xử về hành vi chứ không phải xử hậu quả từ hành vi đó. Cũng giống như hành vi ăn trộm, trả lại đồ, có tình tiết giảm nhẹ nhưng không có nghĩa là không phạm tội.

Thưa ông, phải chăng vì khoảng trống pháp lý và vì lợi ích quá lớn nên dù họ biết có thể vi phạm nhưng vẫn bất chấp tất cả?

Nếu không có lợi ích, làm sao anh lại đi làm một việc trái pháp luật như vậy? Anh biết là mình trái chứ không phải không. Khi họ quyết làm chắc chắn đều biết tất cả chứ. Nhưng chỉ có điều họ vẫn nghĩ rằng mình sẽ không bị xử lý, bởi vì những trường hợp này lâu nay chưa ai bị xử lý cả. Gần đây chúng ta mới chỉ xử phạt đến cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp bộ. Còn trước đây làm gì có, đa phần chỉ xử doanh nghiệp, rồi đến cấp cục, vụ thôi.

Ở các nước chế độ quản lý đất công khác hoàn toàn chế độ quản lý đất tư. Quản lý đất tư là quản lý để thu thuế. Còn quản lý đất công là quản lý để giữ đất. Đó là hai nguyên tắc khác nhau. Việc đưa đất công thành đất tư là cả một quá trình rất phức tạp. Chỉ cần lấy Luật Đất đai của Mỹ ra chúng ta sẽ thấy họ quản lý rất rõ ràng, đúng mục tiêu.

Trước tình trạng thất thoát nhiều như vậy, theo ông có nên tổng rà soát và thu hồi lại đối với các trường hợp vi phạm?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta phải tổng rà soát lại, ít nhất tại các đô thị lớn, bởi lượng tiền đất công ở đây cực kỳ lớn. Qua đó cần rà soát lại lịch sử diễn ra như thế nào, ai đúng ai sai? Trong trường hợp trái pháp luật, nhà nước phải thu hồi lại. Điều đó sẽ góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân. Bởi từ đó dân mới thấy đất công không phải “miếng mồi béo bở” cho những người có chức quyền.

Đồng thời chúng ta phải định nghĩa pháp lý về đất công. Đơn giản đất công là không được sử dụng vào mục đích tư nhân, không do tư nhân sử dụng. Còn đất tư là đất đang được tư nhân sử dụng.

Chế độ quản lý đất tư, đất công phải rành mạch, rõ ràng. Phải quy định thật chặt quy trình đưa đất công thành đất tư, tránh để bị lợi dụng, chiếm đoạt.

Kinh nghiệm các nước chỉ có vậy. Chính vì họ quản lý đất công nghiêm ngặt nên ai cũng phải sợ, vì động đến “chết” liền. Như vậy tự khắc người ta sẽ có ý thức và luôn tự nhủ “thôi đừng động vào đó”.

Cảm ơn ông.

Chảy máu đất vàng Như Tiền Phong đã đưa tin, kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành đã chỉ ra nhiều vi phạm trong việc chấp hành pháp luật quản lý và sử dụng đất đai tại nhiều tỉnh thành. Trong đó có đất nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam; cùng với đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra những vi phạm liên quan đến khu “đất vàng” số 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội). Tương tự, sau một thời gian hợp tác, khu đất “vàng” ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM) có diện tích 446,8m2 thuộc quản lý của Tổng công ty Chè cũng đã “vào tay” Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB; ngoài ra, các khu đất 1.500m2 phố Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khu đất diện tích hơn 1.800m2 tại 126 Lạch Tray (Hải Phòng) cũng là đất công sản được giao cho chi nhánh của Tổng công ty Chè xây dựng hoặc cho thuê nhưng đến nay đều rơi vào tay tư nhân... Trước những sai phạm được chỉ ra, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra những vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại số 67 Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), số 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), khu đất 1.500m2 tại Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), số 59 An Bình (Q.5, TPHCM), số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TPHCM), cùng 7 khu đất khác tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình và Sơn La.

Theo Thành Nam (thực hiện) ​

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên