Khối ngoại bán ròng nghìn tỷ VPB và HDB trong tháng 11, gom mạnh cổ phiếu CTG, VCB và BID
Tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh cổ phiếu VPB, TPB, HDB và liên tục ''gom hàng'' tại các ngân hàng nhóm quốc doanh.
- 30-11-2021Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, chỉ 2 mã tăng giá
- 29-11-2021Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chìm trong sắc đỏ phiên đầu tuần, chỉ mình HDB ngược dòng tăng giá
- 28-11-2021Nhận định cổ phiếu ngân hàng vẫn còn rẻ, CTCK dự báo nhiều mã có thể tăng 15-50%
Thống kê trong tháng 11 vừa qua, khối ngoại bán ròng hơn 8.100 tỷ đồng trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM. Đây là tháng bán ròng thứ tư liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài, nâng tổng lượng bán ròng lũy kế từ đầu năm lên gần 58.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chứng kiến giao dịch trái chiều của nhà đầu tư nước ngoài khi khối này bán ròng mạnh tại VPB, TPB, HDB và SHB và liên tục ''gom'' hàng tại CTG, VCB và BID.
Theo dữ liệu của HoSE, từ đầu tháng 11 đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 52,9 triệu cổ phiếu VPB của VPBank, tương đương giá trị 1.989 tỷ đồng. Sau 16 phiên bán ròng liên tiếp cuối tháng 11, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank đã giảm về mức 15%.
Trước đó, VPBank đã chốt ''room'' ngoại ở mức 15% của VPBank là để mở đường cho kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Cùng xu hướng, tháng qua ghi nhận hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại TPB và HDB với giá trị rút ròng lần lượt 262 tỷ đồng và 230 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán ròng hơn 3,9 triệu cổ phiếu SHB trong tháng 11, tương đương giá trị hơn 89 tỷ đồng. Đây là tháng rút ròng thứ hai liên tiếp của khối ngoại tại cổ phiếu này sau khi SHB tạm khóa ''room'' ngoại ở mức 10% vào giữa tháng 8 nhằm tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, dù tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng hiện chỉ dao động trong khoảng 3 - 4%.
Tại Eximbank, khối ngoại cũng rút ròng trong 18/22 phiên giao dịch của tháng 11 với tổng lượng bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 29 tỷ đồng. Chốt tháng 11, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank đã giảm về mức 29,64%. Điều này có nghĩa, khối ngoại chỉ còn được phép mua thêm hơn 1,3 triệu cổ phiếu EIB.
Gần đây, thị trường xuất hiện thông tin đối tác chiến lược của Eximbank là SMBC có kế hoạch thoái vốn tại ngân hàng này để đến với VPBank. Trong trường hợp SMBC chuyển nhượng vốn tại Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, ''room'' nước ngoài tại ngân hàng sẽ hở ra một khoảng lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.
Trong khi đó, CTG dẫn đầu toàn ngành về khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, khối ngoại đã ''gom'' thêm hơn 34,5 triệu cổ phiếu CTG trong 20/21 phiên giao dịch của tháng 11 với giá trị mua ròng gần 1.150 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 19,3 triệu cổ phiếu STB, tương đương giá trị 553 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank mới chỉ ở mức 17,32%, còn khá nhiều so với tối đa được phép là 30%.
Tương tự, khối ngoại cũng ''gom'' cổ phiếu VCB và BID với giá trị mua ròng đạt 536 tỷ đồng và 209 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại gần như không có giao dịch tại các cổ phiếu đã kín "room’’ như TCB, MSB, ACB.
Ngân hàng khóa "room", giữ chỗ cho cổ đông chiến lược nước ngoài
Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định, các công ty đại chúng có ngành nghề thuộc diện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn mức trần quy định.
Tại các ngân hàng, room ngoại không được vượt quá tỷ lệ 30%, do đó, nhiều nhà băng buộc phải khóa room dưới mức này nhằm tạo dư địa để huy động vốn ngoại. Trong trường hợp không khóa room, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng, khiến dư địa room cạn dần, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch huy động thêm vốn ngoại.
Hiện nhiều ngân hàng đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược như VietCapitalBank, NamABank, VIB, ACB, Techcombank, VPBank, HDBank... Một số buộc đã phải khóa "room" ngoại để "giữ chỗ" trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược như VPBank (15%), HDBank (21,5%), VietCapitalBank (5%),…
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tỷ lệ sở hữu vốn trên đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại. Do đó, các chuyên gia đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước: Cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, khung pháp lý cũng cần điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các nhà băng khi tiếp nhà đầu tư chiến lược.
"Việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới 'room' tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước", ông Hùng cho biết. Ngân hàng đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như quy định hiện nay.
Nhịp sống kinh tế