Khối ngoại miệt mài "xả" cổ phiếu VPB, đã bán ròng hơn 70 triệu đơn vị
Với đợt bán ròng liên tục, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank đã xuống dưới mức tối đa 15% mà ngân hàng chốt trước đó.
- 14-12-2021Phó TGĐ VPBank: “VPBank NEO vượt xa tầm vóc của ứng dụng ngân hàng số”
- 06-12-2021SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 4 ngành ngân hàng ở mức thấp, đánh giá tích cực triển vọng HDBank, OCB và VPBank
- 04-11-2021VPBank cân nhắc mở một công ty chứng khoán
Phiên giao dịch ngày 15/12 tiếp tục chứng kiến xu hướng bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu VPB khi khối này bán ra hơn 9,9 triệu đơn vị với giá trị ước tính theo giá trung bình là gần 345 tỷ đồng.
Đây là phiên bán ròng thứ ba liên tiếp của khối ngoại tại cổ phiếu này, nâng tổng lượng bán ròng kể từ đầu tháng lên hơn 19,2 triệu đơn vị, tương đương khoảng 670 tỷ đồng. Trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 9,3 triệu cổ phiếu VPB trong 7/10 phiên giao dịch đầu tháng 12, tương đương giá trị 329 tỷ đồng
Trong tháng 11, khối ngoại cũng đã bán ròng 52,9 triệu cổ phiếu VPB, giá trị 1.989 tỷ đồng.
Với đợt bán ròng liên tục nêu trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank đã xuống dưới mức tối đa 15% mà ngân hàng chốt trước đó.
Theo quy định, tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại Việt Nam không được vượt quá 30%. Do đó, việc VPBank siết "room" ngoại về mức 15% được cho là bước dọn đường để chào đón cổ đông chiến lược nước ngoài.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, ngân hàng đang có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài và có thể thực hiện vào cuối năm nay. Ngân hàng còn có thể dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ đang có kết hợp với phát hành cổ phiếu mới để bán cho đối tác nước ngoài.
Mặc dù VPBank chưa tiết lộ danh tính đối tượng hướng đến nhưng theo một số nguồn tin chưa chính thức trên thị trường, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản) đang đàm phán trở thành đối tác chiến lược của VPBank sau thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit.
Thông tin này hoàn toàn có cơ sở khi SMBC đã phát tín hiệu "buông tay’’ Eximbank sau gần 13 năm làm cổ đông chiến lược. Theo đó, cổ đông ngoại này đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 diễn ra vào ngày 27/4 của Eximbank sau khi rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.
Và thực tế, lãnh đạo ngân hàng này cũng đã xác nhận SMBC là cái tên được ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới.
Không những vậy, những diễn biến mới đây cho thấy mối quan hệ giữa VPBank và SMBC đang ngày càng "nồng ấm’’.
Vừa qua, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 10, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.
"Sự kiện này là bước phát triển mới, tiếp tục mở ra các cơ hội hợp tác toàn diện giữa VPBank và SMBC trong thời gian tới", đại diện lãnh đạo VPBank cho biết tại buổi ký thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với SMBC vào ngày 27/10.
Nhịp sống kinh tế