MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại rút vốn, kiều hối giảm không phải do lãi suất gửi USD bằng 0%

30-03-2017 - 10:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại Việt Nam, lãi suất huy động USD vẫn đang duy trì ở mức 0%, trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 2 lần và còn có thể tiếp tục tăng lãi suất nữa. Điều này đã làm xuất hiện những lo ngại về khả năng rút vốn của các nhà đầu tư ngoại.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
68 bài viết

Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Đường đi của lãi suất năm 2017” do báo điện tử Tri Thức trẻ phối hợp cùng CafeF tổ chức đầu tuần này, các chuyên gia cho rằng dù việc giữ lãi suất tiền gửi USD là 0% có những bất cập riêng nhưng việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài không phải do lãi suất USD.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối Phân tích KHCN công ty SSI nhận định, việc duy trì lãi suất USD 0% để giảm đô la hóa, tăng nguồn cung USD giúp bình ổn tỷ giá là chủ trương đúng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Hùng Linh cũng nhấn mạnh bất kỳ một phương án nào cũng có hai mặt. Khi lãi suất của FED thấp thì mặt trái của lãi suất 0% không thể hiện nhiều nhưng FED tăng lãi suất thời gian tới đây sẽ nới rộng mức chênh lệch lãi suất và kỳ vọng chênh lệch lãi suất rất nhanh. Điều này theo ông Linh sẽ làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam và là một nguyên nhân khiến lượng kiều hối giảm.

Việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài và việc lãi suất USD chỉ duy trì ở mức 0% lại ít có sự liên hệ trực tiếp. Ông Linh đánh giá, NĐTNN không tới Việt Nam để gửi tiền USD. Họ quan tâm đến lãi suất như một chỉ báo cho rủi ro tỷ giá và quan tâm tới lãi suất VND chứ không phải USD.

Theo đại diện của SSI, việc FED nâng lãi suất và rủi ro rút vốn liên quan nhiều hơn đến thị trường chứng khoán khi NĐTNN thay đổi chiến lược phân bổ tài sản. Theo đó, họ rút tiền từ các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ do rủi ro tại thị trường mới nổi tăng còn cơ hội đầu tư tại Mỹ lại nhiều lên. Dù TTCK Việt Nam khá may mắn khi NĐTNN vẫn đang mua ròng cả cổ phiếu lẫn trái phiếu nhưng ông Linh cho rằng không thể chủ quan. Nỗi lo FED tăng lãi suất chưa ảnh hưởng lớn tới cán cân dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam nhưng về dài hạn thì không thể chủ quan.

Cùng quan điểm với ông Linh, TS. Nguyễn Đức Độ, Chuyên gia - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng cho rằng nguyên nhân chính khiến kiều hối về Việt Nam không được như mong đợi trong năm 2016 là do Fed tăng lãi suất chứ không hẳn là do lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam bằng 0%. Vì nếu như họ vay ở Mỹ bằng USD thì khi chuyển sang Việt Nam sẽ cho vay bằng VNĐ với lãi suất là 7% chứ họ không cho vay bằng USD với lãi suất 0,5% hay 1%.

Theo ông Độ, ảnh hưởng của việc giữ lãi suất bằng đồng USD ở mức 0% là không nhiều, có thể ở mức độ nào đó việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng người gửi tiền, người ta có thể suy nghĩ muốn giữ USD rồi thì có thêm động lực nữa.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vẫn nên cân nhắc việc nâng trần lãi suất huy động USD từ dân cư. Vị chuyên gia này chỉ ra một số điểm tích cực đó là, tăng lãi suất USD là phù hợp xu thế tăng lãi suất của Fed. Điều này tạo tâm lý cho người Việt Nam là không quá thiệt thòi khi gửi USD.

Thứ hai, người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu vay ngoại tệ. Ước tính tỷ lệ đô la hóa hiện nay tầm 9-10%, và chúng tôi cho rằng Nhà nước vẫn cần duy trì tỷ lệ đô la hóa.

Ba là bài toán hiệu quả. Nếu không cho phép nâng trần huy động USD mà ngân hàng Việt Nam phải đi vay nước ngoài với lãi suất 1- 3% thì chi phí này rất lớn so với mức lãi suất huy động 0,25%.

Mặt khác, nâng lãi suất tiền gửi USD sẽ giúp minh bạch hóa hệ thống bởi không phải không xuất hiện tình trạng một số NHTM huy động USD “đi đêm” thông qua các hình thức khuyến mại, hoa hồng cho khách hàng.

Theo ông Lực nếu tăng lãi suất huy động USD từ dân cư sẽ không phải quá lo về việc đô la hóa vì đó chỉ là hình thức huy động vốn của người dân cho nền kinh tế.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên