MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại thẳng tay "xả hàng" kịch liệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đà bán bao giờ ngưng?

Khối ngoại thẳng tay "xả hàng" kịch liệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đà bán bao giờ ngưng?

Chuyên gia DSC kỳ vọng áp lực bán ròng từ khối ngoại hạ nhiệt dần, thậm chí quay trở lại, khi câu chuyện nâng hạng thị trường Việt Nam đang cận kề.

Động thái xả hàng ồ ạt của khối ngoại đang trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán Việt nam. Gần nhất, khối ngoại đã có một phiên (8/7) bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay với giá trị bán ròng lên tới gần 2.500 tỷ đồng.

Thống kê từ đầu năm, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường đã vượt mốc 54.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, gấp 2,2 lần so với mức bán ròng cả năm 2023. Con số này cũng gần chạm đến ngưỡng bán ròng kỷ lục trong lịch sử năm 2021 với trên 58.000 tỷ đồng. Sau thời gian miệt mài bán ròng, liệu bao giờ dòng vốn ngoại đảo chiều?

Ảnh chụp Màn hình 2024-07-08 lúc 22.01.42.png

Tại hội thảo đầu tư với chủ đề "Đón đầu chu kỳ phục hồi nửa cuối năm 2024" do Chứng khoán DSC tổ chức mới đây, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc điều hành Chi nhánh phía Nam CTCP Chứng khoán DSC cho rằng khối ngoại đã bán ròng hơn 50.000 tỷ đồng kể từ đầu năm, nhưng mức độ ảnh hưởng lên thị trường Việt Nam không quá lớn.

Minh chứng là bất chấp khối ngoại bán ròng rã, thị trường vẫn không rơi mà neo trên vùng 1.280 điểm. Quy mô giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm quanh 18-20% trên tổng quy mô giao dịch toàn thị trường, thấp hơn nhiều so giai đoạn trước năm 2020, đạt mức 30-50% tổng quy mô toàn thị trường.

Một số nguyên nhân dẫn đến áp lực bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua là chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế; Quỹ ngoại đánh giá tương quan về định giá, lợi nhuận kỳ vọng giữa các khu vực đầu tư; Một số quỹ ETF rút ròng, giải thể; TTCK Việt Nam thiếu tính đa dạng về sản phẩm, và lĩnh vực đầu tư (nhóm ngành).

Tuy nhiên, ông Huy nhìn thấy áp lực bán ròng của khối ngoại cũng đã giảm rõ rệt trong thời gian gần đây. Vị chuyên gia này kỳ vọng áp lực bán ròng từ khối ngoại hạ nhiệt dần, thậm chí quay trở lại, khi câu chuyện nâng hạng thị trường Việt Nam đang cận kề.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng sự chênh lệch lãi suất tiếp diễn khiến dòng tiền trong nước và nước ngoài liên tục rút ra khỏi Việt Nam. Để giải bài toán này, cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.

Động thái của NHNN thời gian gần đây cho thấy, một mặt NHTW bán dự trữ ngoại hối, mặt khác nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để ổn định tỷ giá. Dù có cái nhìn thận trọng về tỷ giá trong những tháng cuối năm, song chuyên gia kỳ vọng việc Fed hạ lãi suất phần nào giảm áp lực tỷ giá.

Theo vị chuyên gia, mối tương quan giữa tỷ giá và chứng khoán không lớn, lãi suất là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thị trường chứng khoán. Dòng tiền khối ngoại sẽ quay trở lại khi các môi trường đầu tư khác không còn hấp dẫn. Trong môi trường lãi suất thấp và nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng top đầu thế giới của Việt Nam được kỳ vọng thu hút dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài rất e sợ việc tỷ giá biến động hơn là việc tỷ giá cao hay thấp, chính vì thế ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng để thu hút dòng vốn chảy vào Việt Nam.

"Tôi cho rằng dòng vốn ngoại sẽ mua ròng quay trở lại trong nửa cuối năm nhờ (1) Nền kinh tế Việt Nam tích cực hơn trong hai quý cuối năm (2) Fed hạ lãi suất giảm áp lực tỷ giá (3) Thị trường vẫn hấp thụ không rơi cho thấy thị trường khá vững vàng, động thái bán ròng khối ngoại tác động không lớn", ông Nguyễn Tú Anh dự báo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Hiếu - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ NTP-AM cho rằng dòng tiền ngoại đã quay trở lại một số nước ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia. Theo đó, vị chuyên gia kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ giảm bán ròng trong quý 3 và có thể quay trở lại trong quý 4.


Mai Chi

An ninh Tiền tệ

Từ Khóa:
Trở lên trên