Khơi thông dòng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông: Gỡ từ đâu?
Vốn đầu tư công được xác định là nguồn lực để giao thông đi trước “mở đường”, song không ít dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ có nguyên nhân từ việc chậm giải ngân vốn.
- 24-07-2023Trong tháng 7 dự kiến bàn giao toàn bộ 5.000ha mặt bằng dự án sân bay 16 tỷ USD
- 22-07-2023Khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống
- 22-07-2023Vì sao phải lập ban chỉ đạo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
"Bệnh" đã được "bắt", nhưng vì sao vẫn không thể “bốc thuốc, kê toa”? Những nút thắt nào cần tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình giao thông trọng điểm?
Quản lý 4 dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội, trong đó có những dự án lớn như: dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã giải ngân được 1.110 tỷ/1.850 tỷ đồng, đạt trên 60% vốn được cấp trong năm 2023.
Ông Đặng Xuân Huấn, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, các dự án được đưa vào danh mục công trình trọng điểm của Thành phố đều có sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành, địa phương nên kết quả giải ngân tương đối khả quan: "Việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án thành phần và giao cho UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư đối với dự án Đường Vành đai 4 Vùng thủ đô và đối với các dự án nhóm A sau này theo chủ trương chung của Thành phố đã và cũng sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng – khâu rất quan trọng, qua đó đẩy nhanh được tiến độ thi công, hoàn thành các dự án", ông Huấn nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng - liên danh 5 nhà đầu tư, thi công dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020), bên cạnh việc giải phóng mặt bằng thì giải quyết nhu cầu về vật liệu xây dựng là nút thắt để đẩy đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho dự án. Do chủ động được nguồn vật liệu nên, trong số hơn 8.595 tỷ đồng giá trị dự án, hiện đơn vị đã giải ngân được hơn 3.264 tỷ đồng, riêng vốn năm 2023 giải ngân đạt 47%.
"Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao năm 2023 là 1.859 tỷ đồng, thì chúng tôi đã giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 873 tỷ, tương đương 47%, 6 tháng cuối năm chúng tôi sẽ cố gắng giải ngân hết nguồn vốn được giao. Chúng tôi tin tưởng rằng giải ngân đáp ứng tiến độ và thực hiện sản lượng tại hiện trường", ông Việt nói.
Tuy vậy theo Bộ GTVT, vẫn có một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn mới đạt 50%; Cam Lộ - La Sơn đạt 62%… Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT ước giải ngân đạt trên 35.600 tỷ đồng trong tổng số 94.100 tỷ đồng được giao, đạt 37,4% kế hoạch năm. Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm tiến độ, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, năm 2023 đơn vị được giao giải ngân 9.100 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt được 45,4%, cao hơn so với tỷ lệ giải ngân chung của Bộ GTVT, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch được giao.
Nguyên nhân là do hơn một nửa trong tổng số 9.100 tỷ đồng này là vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ chưa thể giải ngân do chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ để làm rõ việc hướng dẫn giải ngân của vốn phục hồi có thực hiện được theo điều 67 của Luật Đầu tư công hay không. Ông Phùng Tuấn Sơn cho biết thêm: "Vốn phục hồi vừa rồi Quốc hội đã thông qua, tuy nhiên hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính chưa được nhất quán, dẫn đến vốn phục hồi đến giờ phút này vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Hiện nay các dự án vốn được giao kế hoạch vốn năm 2023 cơ bản thì đã hết. Còn 2 dự án Phan Thiết – Dầu Giây và Mai Sơn – QL45 hiện nay do vấn đề điều hòa linh hoạt từ nguồn phục hồi, trước thì nguồn phục hồi chỉ dành cho các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 thôi, nhưng Quốc hội lại cho phép điều hòa linh hoạt sang các dự án khác, đặc biệt là 2 dự án giai đoạn 1, tuy nhiên đến giờ phút này chưa thông để giải ngân được".
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cũng cho biết, mặc dù Bộ GTVT đã kịp thời nhận diện các khó khăn, vướng mắc để làm việc với các Bộ, ngành và các địa phương để tìm biện pháp tháo gỡ, song nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, nên áp lực giải ngân 6 tháng cuối năm là rất lớn. Ông Lê Quyết Tiến phân tích: "Ngoài các nguyên nhân khách quan như công tác giải phóng mặt bằng, thì còn có một số nguyên nhân chủ quan, như: một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát, chưa quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ được Bộ giao; năng lực quản lý dự án còn nhiều bất cập, chưa chú trọng bố trí nguồn lực, nhân sự phù hợp cho công tác nghiệm thu, thanh toán".
Bởi vậy, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân được Bộ này xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm: "Nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm đó là tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bởi số lượng còn lại trong 6 tháng cuối năm là rất lớn.
Đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước. Hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công mà Chính phủ đã giao. Đi kèm với nó là đảm bảo chất lượng tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia". Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm không phải bây giờ mới nhận diện, mà đã được chỉ ra từ lâu. Bởi vậy, đã đến lúc cần giải pháp quyết liệt hơn, thậm chí chấm dứt việc giao dự án mới, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư với những đơn vị chậm giải ngân.
6 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân được hơn 35.600 tỷ đồng trong tổng số 94.100 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 37,4% kế hoạch năm. Con số này gấp hơn 2 lần giá trị và cao hơn 7% về tỷ lệ nếu so với cùng kỳ năm 2022, và cũng cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Tuy vậy, nếu so với kế hoạch đăng ký đầu năm của các chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân của các dự án vẫn khá chậm. Bởi vậy, để “tiêu” hết hơn 59.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm cũng là áp lực không nhỏ. Điều đáng nói, hai nút thắt là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng, dù đã được chỉ ra từ lâu, nhưng vẫn tồn tại, và là trở lực chính làm chậm kế hoạch giải ngân cho các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2023, nhất là các dự án thuộc cao tốc Bắc- Nam.
Mặc dù ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và yêu cầu các chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, song đến nay, mới giải ngân được khoảng 30% giá trị. Tương tự, về vật liệu xây dựng, theo rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, tiến độ thi công các dự án giao thông hiện nay bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự thiếu hụt nguồn vật liệu, nhất là các dự án cao tốc giai đoạn 2.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, dù các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát, song các địa phương mới xác nhận khối lượng khai thác đối với 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát... Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp điêu đứng khi mỏ vật liệu ngay gần tuyến đang thi công, nhưng dự án phải vận chuyển đất cách đó 30km, mất nhiều thời gian gây tốn kém chi phí. Rõ ràng trách nhiệm của các chủ dự án và chính quyền địa phương là không nhỏ trong việc gỡ nút thắt về vật liệu xây dựng. Tuy vậy, trong khi chờ đợi sự phối hợp, tháo gỡ các nút thắt về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng từ các Bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT với vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành cần mạnh tay xử lý với các nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ, chậm giải ngân vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Như đánh giá của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình giao thông trọng điểm còn bắt nguồn từ chính các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khi chưa làm hết trách nhiệm, chưa sâu sát, quyết liệt thực hiện theo nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, việc đánh giá, chấm điểm các nhà thầu, các Ban Quản lý dự án cần được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thậm chí chấm dứt việc giao dự án mới, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư, nếu tồn tại những yếu kém khiến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung.
Chấm điểm các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu không chỉ vì mục tiêu phấn đầu đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ, mà còn nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của các các đơn vị này, tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc lựa chọn đơn vị quản lý, thi công các dự án giao thông trọng điểm trong tương lai.
VOV