Vì sao phải lập ban chỉ đạo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Theo Bộ Giao thông vận tải, những dự án đường sắt, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành… đều là là các dự án quan trọng quốc gia. Các dự án này có công nghệ mới, lần đầu triển khai tại Việt Nam nên cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, có sự chỉ đạo tập trung, quyết tâm chính trị mạnh mẽ.
- 06-06-2023Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Dự án lớn, không có cơ hội để sửa sai
- 27-04-2023Hội đồng thẩm định nhà nước nêu loạt vấn đề đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
- 16-04-2023Thông tin mới về kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về Dự thảo quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia. Trước đó, ngày 13/7, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo này.
Về sự cần thiết phải lập ban chỉ đạo, Bộ GTVT cho rằng, các dự án đường sắt mới, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là các dự án quan trọng quốc gia. Các dự án đường sắt có quy mô lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp.
Đặc biệt, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu được triển khai tại Việt Nam nên cần có sự chỉ đạo tập trung, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Dự án cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật như công nghệ, tốc độ khai thác, khách hàng; mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định ; tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có đường sắt cao tốc phát triển như châu Âu, Trung Quốc… để cập nhật, bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Bên cạnh đó, để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ GTVT cho biết, sẽ huy động chuyên gia, tư vấn quốc tế có kinh nghiệm cùng tư vấn thiết kế trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.
Với các tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành… Bộ GTVT đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, phấn đấu triển khai đầu tư trước năm 2030.
Để thực hiện các dự án đường sắt trên, theo Bộ GTVT, cần thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp, nguồn lực huy động rất lớn. Do đó, cần sự vào cuộc, phối hợp của các bộ ngành và địa phương, nên cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia.
Ban chỉ đạo sẽ giúp Thủ tướng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp lớn mang tính tổng thể, liên ngành; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong quá trình xây dựng đề án và triển khai các dự án đường sắt.
Dự thảo quyết định cũng quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Dự kiến, Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó trưởng ban là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Thành viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ: Xây dựng, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quản lý vốn nhà nước; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội…
Tham gia Ban chỉ đạo còn chủ tịch UBND các địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai.
Bộ GTVT là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Tiền phong