MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ thất bát ở Việt Nam, Parkson đang thua lỗ ở tất cả các thị trường châu Á còn lại, trừ Malaysia

21-11-2016 - 11:50 AM | Doanh nghiệp

Năm 2015, Parkson đã huỷ hợp đồng thuê trước thời hạn tại Parkson Keangnam, chịu khoản chi phí đền bù hợp đồng lên tới 64,7 triệu đô la Singapore. Năm 2016, Parkson có lãi trở lại nhờ thoái vốn tại Công ty Parkson Hà Nội cho ông Hoang Manh Cuong.

Parkson là thành viên của Tập đoàn Lion, một tập đoàn quốc tế được thành lập từ năm 1930 tại Malaysia, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Tại khu vực Đông Nam Á, Parkson Retail Asia Limited có 8 trung tâm thương mại tại Việt Nam, 44 tại Malaysia, 16 tại Indonesia và 1 tại Myanmar.

Mới đây, Parkson đã tuyên bố đóng cửa Parkson Viet Tower tại ngã tư Tây Sơn Thái Hà, sau 8 năm hoạt động. Các gian hàng đang rục rịch rời khỏi trung tâm thương mại này và đến ngày 15/12/2016, Parkson chính thức không còn hoạt động ở Hà Nội.

Trước đó, Parkson đã đóng cửa 2 trung tâm thương mại khác. Hồi tháng 1/2015, Parkson Keangnam đột ngột thông báo đóng cửa và yêu cầu các gian hàng phải dọn dẹp chuyển đi ngay trong đêm và ngừng kinh doanh do có nhiều vấn đề khúc mắc với chủ toà nhà Keangnam Hanoi Landmark 72.

Đến giữa tháng 5/2016, đến lượt Parkson Paragon đóng cửa để di dời sau 5 năm hoạt động dù có thời hạn hoạt động 19 năm.

Cay đắng với Parkson Hà Nội

Một năm tài chính thông thường của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Theo số liệu của Parkson, doanh thu của Parkson Retail Asia Limited ổn định trong khoảng 600-700 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, lợi nhuận liên tục sụt giảm. Năm 2014, Parkson tại Việt Nam lỗ 37 tỷ đồng và năm 2015 lỗ tăng đột biến 1.250 tỷ đồng.

Parkson giải thích, nguyên nhân thua lỗ là do "Trong tháng 1/2015, Parkson đã huỷ hợp đồng thuê tại Parkson Keangnam trước thời hạn để tránh việc tiếp tục thua lỗ do những thách thức của thị trường bán lẻ". Parkson đã phải chi 64,7 triệu đô la Singapore (tương đương 1.020 tỷ đồng), để đền bù hợp đồng và lỗ tổng cộng 79,2 triệu SGD (khoảng 1.250 tỷ đồng) tại Việt Nam. Kết quả này khiến Parkson năm 2015 lỗ tới 52,8 triệu SGD (833 tỷ đồng).

Công ty con chịu trách nhiệm trực tiếp trong thương vụ này là Parkson Hà Nội. Sau khi liên tục thua lỗ, Parkson đã quyết định thoái vốn tại công ty này, và đã bán 31% vốn cho cá nhân Hoang Manh Cuong. Giao dịch được hoàn tất vào ngày 17/8/2015 và cũng từ ngày này Parkson không còn là chủ kiểm soát Parkson Hà Nội do tỷ lệ sở hữu từ 76% chỉ còn 45%. Đến cuối tháng 6/2015, Parkson Hà Nội lỗ luỹ kế 18,8 triệu SGD (khoảng 300 tỷ đồng).

Lợi nhuận tài chính từ thương vụ thoái vốn tại Parkson Hà Nội giúp tổng lợi nhuận của Parkson tăng trở lại trong năm 2016, đạt hơn 550 tỷ đồng, cho dù doanh thu bán hàng trong năm này giảm mạnh so với các năm trước, chỉ đạt chỉ 547 tỷ đồng.

Các thị trường khác cũng không khả quan

Tuy nhiên, không riêng gì ở thị trường Việt Nam, Parkson đang gặp khó khăn ở các quốc gia khác. Ngoài Malaysia đều đặn có lãi hàng năm, các thị trường Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Campuchia đều lỗ trong năm 2015. Sang năm 2016, thị trường Việt Nam có lãi trở lại nhờ thương vụ thoái vốn, nhưng các thị trường Indonesia, Myanmar và Campuchia vẫn tiếp tục thua lỗ.

Trong đó, thị trường Campuchia chưa có doanh thu trong khi thị trường Myanmar mới chỉ có 1 trung tâm thương mại nên doanh thu cũng rất ít ỏi.

Kết quả kinh doanh Parkson tại 5 nước trong khu vực năm 2015 và 2016
Kết quả kinh doanh Parkson tại 5 nước trong khu vực năm 2015 và 2016

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên