Không chỉ thu lãi nghìn tỷ, FPT còn nhẹ nợ khi thoái vốn khỏi mảng phân phối, bán lẻ
Cơ cấu tài sản của FPT trở nên "đẹp" hơn khi không còn hợp nhất 2 FPT Trading và FPT Retail.
CTCP FPT vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao kỷ lục, đạt 4.249 tỷ đồng - tăng hơn 1.200 tỷ, tương ứng 41% so với năm 2016. Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận trong năm là khoản lợi nhuận tài chính bất thường hơn 1.000 tỷ đồng từ thoái một phần vốn khỏi công ty bán lẻ FPT Retail và công ty phân phối FPT Trading.
FPT đã bán bớt 38% cổ phần tại FPT Retail, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 47% và bán 52% cổ phần tại FPT Trading, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 48%. Kể từ ngày 18/12/2017, 2 công ty này từ công con trở thành công ty liên kết của FPT. Theo đó, FPT sẽ không còn hợp nhất doanh thu và tài sản của 2 công ty này mà sẽ ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ sở hữu.
Thay đổi đáng kể nhất với FPT khi không còn nắm kiểm kiểm soát FPT Retail và FPT Trading là doanh thu sẽ giảm đáng kể. Tổng doanh thu năm 2017 của FPT đạt gần 42.700 tỷ đồng thì 2 công ty này đóng góp tới gần 24.000 tỷ đồng.
Mặc dù có doanh thu lớn nhưng đặc thù hoạt động thương mại có tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong khi các mảng kinh doanh còn lại của FPT như viễn thông, phần mềm hay dịch vụ trực tuyến đều có tỷ suất lợi nhuận rất cao nên khi không còn hợp nhất nữa thì hiệu quả kinh doanh của FPT cũng sẽ cải thiện đáng kể.
Biên lợi gộp của toàn hệ thống FPT năm 2016-2017 ở mức 21-23% trong khi nếu loại trừ FPT Retail và FPT Trading thì con số này lên đến trên 36%.
Cơ cấu tài sản của tập đoàn cũng trở nên "đẹp" hơn khi không còn hợp nhất 2 công ty trên. Đặc thù của hoạt động phân phối và bán lẻ các sản phẩm công nghệ là phải duy trì lượng hàng tồn kho rất lớn và phần lớn hàng tồn kho này được thế chấp để vay ngân hàng. Báo cáo tài chính của FPT cho biết tập đoàn này đã bớt đi được 4.700 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn khi chấm dứt hợp nhất FPT Trading (3.500 tỷ) và FPT Retail (1.200 tỷ).
Tại thời điểm 31/12/2017, vay nợ ngắn hạn của FPT chỉ còn 4.100 tỷ so với 9.200 tỷ đồng hồi đầu năm. Hàng tồn kho qua đó cũng giảm từ gần 4.600 tỷ xuống còn 1.000 tỷ đồng.
Nợ phải trả của FPT giảm đáng kể sau khi không còn hợp nhất FPT Retail và FPT Trading
Trí Thức Trẻ