MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có gì ngoài tiền mặt, một khu vực đang trở thành 'máy ATM' bơm tiền cho toàn thế giới

07-09-2023 - 14:52 PM | Tài chính quốc tế

Không có gì ngoài tiền mặt, một khu vực đang trở thành 'máy ATM' bơm tiền cho toàn thế giới

Các nước Trung Đông hiện nắm trong tay rất nhiều tiền mặt và sẵn sàng đầu tư, vào đúng thời điểm các quỹ đầu tư của phương Tây đang gặp khó khăn.

5 năm trước, hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia đột ngột bị bao phủ bởi vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Một loạt lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã rút khỏi sự kiện vào phút chót.

Trái ngược với bầu không khí ảm đạm 5 năm trước, năm nay, hội nghị được mệnh danh là “Davos trên sa mạc” nhận được nhiều sự quan tâm đến mức nước chủ nhà đề ra mức phí 15.000 USD trên mỗi lãnh đạo doanh nghiệp tham dự.

Những hoàng tộc ở khu vực Trung Đông muốn gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu đang háo hức nắm bắt cơ hội để bước vào trung tâm của “sân khấu tài chính thế giới”. Các nước Trung Đông hiện nắm trong tay rất nhiều tiền mặt và sẵn sàng đầu tư, vào đúng thời điểm các định chế tài chính phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng lãi suất tăng và thu hẹp mọi hoạt động từ tài trợ cho các vụ M&A đến đầu tư vốn cổ phần tư nhân.

Tất cả mọi người đều muốn tới Trung Đông

Theo tờ Wall Street Journal nhận định, các quỹ đầu tư quốc gia Trung Đông đang trở thành “máy ATM” cho các quỹ PE, quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư bất động sản của phương Tây vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ở những nơi khác.

Gần đây, các nhà đầu tư Trung Đông đặc biệt quan tâm đến thị trường M&A. Có thể kể đến các thương vụ như 1 quỹ đầu tư của Abu Dhabi thâu tóm quỹ đầu tư Fortress với giá hơn 2 tỷ USD hay 1 quỹ của Saudi chi 700 triệu USD mua lại mảng tài chính hàng không của ngân hàng Standard Chartered. Một số công ty và quỹ của Abu Dhabi mới đây đã mua 1 công ty y tế ở Anh với giá 1,2 tỷ USD và kiểm soát 1 phần ông lớn thực phẩm của Colombia.

“Hiện nay tất cả mọi người đều muốn tới Trung Đông, giống như cơn sốt đào vàng ở Mỹ một thời”, Peter Jädersten, nhà sáng lập công ty tư vấn Jade Advisors nói. “Ở tất cả các nơi khác, việc huy động vốn khá khó khăn”.

Các nhà quản lý quỹ tới khu vực Trung Đông cho biết họ thường xuyên gặp các đối thủ cùng ngồi trong phòng chờ của các quỹ đầu tư quốc gia. Các lãnh đạo doanh nghiệp ở thung lũng Silicon hay những giám đốc ở New York thường xuất hiện ở những hành lang lát đá cẩm thạch trắng của khách sạn Four Seasons Abu Dhabi và nhiều khách sạn 5 sao khác.

Tháng sau, hội nghị Future Investment Initiative – 1 sáng kiến của Thái tử Saudi Mohammed bin Salman – sẽ diễn ra và được ví là thỏi nam châm thu hút những người đang tìm kiếm nguồn vốn. Sau vụ nhà báo bị ám sát, đã có thời gian các quỹ và nhiều startup né tránh dòng vốn từ Trung Đông do lo ngại rủi ro chính trị. Tuy nhiên, từ năm ngoái nhu cầu về nguồn vốn từ Saudi bắt đầu tăng lên khi nguồn tiền ở những nơi khác gặp khó khăn.

Tại hội nghị năm ngoái, giám đốc quỹ đầu tư Public Investment Fund – Yasir Al Rumayyan – đã có phiên thảo luận cùng với lãnh đạo của 2 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới: Stephen Schwarzman của Blackstone và Ray Dalio của Bridgewater Associates.

Dòng vốn bùng nổ

Dấu ấn của dòng tiền từ Trung Đông thể hiện rõ nhất ở các quỹ tư nhân, loại hình sẽ “giam” tiền của nhà đầu tư trong nhiều năm. Mặc dù có rất ít số liệu thống kê chi tiết được công bố, các con số về 2 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất cho thấy sự tăng trưởng vượt trội. Tại PIF của Saudi, lượng vốn cam kết cho “các chứng khoán đầu tư” (danh mục gồm các quỹ tư nhân) đã tăng từ 33 tỷ USD của năm 2021 lên 56 tỷ USD trong năm 2022. Quỹ Mubadala của Abu Dhabi cũng cam kết lượng vốn gấp đôi, lên 18 tỷ USD trong năm 2022.

Lãnh đạo của các ông lớn PE như TPG, KKR và Carlyle Group đều nói với các nhà đầu tư rằng mối quan tâm từ các quỹ ở Trung Đông vẫn rất mạnh mẽ trong khi từ các khu vực khác trên thế giới đã giảm khá mạnh.

Trong nửa đầu năm 2023, các nhà đầu tư đã rót 33 tỷ USD vào các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ, giảm hơn một nửa so với con số 74 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021, theo số liệu từ PitchBook. Trên toàn cầu, tổng vốn huy động được cho các quỹ tư nhân đã giảm 10% trong năm ngoái, xuống còn 1.500 tỷ USD. Con số dự báo sẽ còn giảm tiếp.

Có 2 nguyên nhân giúp dòng vốn từ Trung Đông bùng nổ. Đầu tiên là giá năng lượng tăng cao giúp các quỹ đầu tư của khu vực này có thêm hàng chục tỷ USD để chi tiêu. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa nếu giá dầu giảm dòng vốn sẽ nhanh chóng suy giảm theo.

Cùng lúc đó, Thái tử Saudi và các quan chức hàng đầu ở UAE mong muốn gia tăng vị thế của Trung Đông trên trường quốc tế, thông qua các phương diện địa chính trị, tài chính và thể thao. Một lượng tiền lớn được bơm vào các quỹ đầu tư quốc gia để theo đuổi các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài cũng như mở rộng các ngành kinh tế nội địa.

Gần đây, quỹ đầu tư nổi tiếng Tiger Global của Mỹ đã liên tục gặp khó khăn khi huy động vốn. Trong bối cảnh quỹ thua lỗ và nhiều startup phải đối mặt với “mùa đông gọi vốn”, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã từ chối lời mời của Tiger Global.

Tuy nhiên, quỹ đã tìm thấy “quý nhân”: đầu năm nay, Sanabil (công ty con của PIF) đã bổ sung Tiger vào danh sách các quỹ mà họ hậu thuẫn. Bên cạnh đó danh sách còn có Founders Fund của Peter Thiel và Andreessen Horowitz.

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên