Không có trạm sạc, các hãng xe điện có bán được hàng ở Việt Nam?
Vừa qua, nhiều mẫu xe ô tô điện đến từ các thương hiệu trên thế giới ra mắt tại thị trường Việt, tuy nhiên, phần lớn chỉ mang tính chất thăm dò thị trường.
- 09-08-2023Hơn 40 hãng xe chạy đua giảm giá, thiên đường ô tô lớn nhất thế giới sụt giảm doanh số tháng thứ 2 liên tiếp, cuộc đua vẫn chưa đến hồi kết
- 08-08-2023Xuất khẩu “vàng đen” của Việt Nam sang một quốc gia châu Âu bất ngờ tăng hơn 21.000% chỉ trong nửa đầu năm
- 06-08-2023Nhờ Nga và châu Âu, quốc gia này chính thức vượt Nhật Bản trở thành cường quốc ô tô của thế giới, xuất khẩu hơn 2 triệu chiếc trong nửa đầu năm
Trên thị trường Việt Nam đang có nhiều sản phẩm ô tô điện đến từ các thương hiệu trong và ngoài nước như VinFast, Hyundai, BMW, Audi, Porsche Taycan, Mercedes-Benz, TMT Motos… trải dài ở các phân khúc với giá bán từ vài trăm triệu cho tới gần chục tỷ đồng.
Hyundai vừa ra mắt mẫu xe IONIQ 5. Thời điểm ra mắt sản phẩm xe ô tô điện đầu tiên của mình tại Việt Nam cho đến hiện tại, Hyundai vẫn chưa có trạm sạc công cộng. Đại diện hãng này cho biết, hãng đang phát triển cùng các đối tác mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc.
Giải pháp tình thế của Hyundai là tặng khách hàng mua IONIQ 5 bộ sạc cao cấp tại nhà. Dù phía hãng chưa công bố cụ thể, nhưng với điện dân dụng 220V, một số chuyên gia trong ngành cho rằng bộ sạc cao cấp tại nhà của Hyundai nhiều khả năng là loại AC công suất trong khoảng 7,7 - 10,9 kW, mất 6-9 giờ để sạc đầy 100% pin cho IONIQ 5.
Trong khi đó, sạc tiêu chuẩn theo xe là loại 2,5 kW AC, mất khoảng 30 giờ để sạc đầy bộ pin có dung lượng 72,9 kWh của xe.
Ngoài Hyundai, vừa qua hãng TMT Motos cũng ra mắt mẫu xe điện mini mang tên HongGuang Mini EV với mức giá từ 239 - 285 triệu đồng. Hãng cũng cung cấp bộ sạc cao cấp cho khách hàng mua xe tự sạc tại nhà, tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đánh giá không cao tính tối ưu của mẫu xe này khi sở hữu tầm hoạt động 120 đến 170 km cho một lần sạc.
Trong khi đó, với các thương hiệu còn lại như Audi, Porsche, Mercedes-Benz, BMW lại xác định hướng tới tệp khách hàng nhỏ, nằm ngoài phân khúc cạnh tranh với các hãng còn lại khi các mẫu xe có giá bán tương đối cao từ 2,9 đến gần 10 tỷ đồng.
Không một hãng xe nào có trạm sạc công cộng, trong khi các trạm sạc phải phủ theo mạng lưới rộng khắp giống như trạm xăng.
Muốn bán được xe, có thể thấy VinFast đang cật lực mở rộng mạng lưới phủ trạm sạc. Nhà sản xuất này đã phát triển 150.000 trạm sạc pin công cộng phủ khắp 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, VinFast không có chính sách chia sẻ với các thương hiệu khác.
Trong khi đó, các mẫu xe điện còn lại thông thường sẽ cung cấp cho khách hàng một bộ sạc cao cấp sạc tại nhà hoặc chỉ cung cấp dịch vụ sạc pin tại các showroom, đại lý của hãng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trạm sạc là yếu tố then chốt để đem lại sự thuận tiện cho người sử dụng xe điện, giống như các trạm tiếp nhiên liệu cho xe động cơ đốt trong. Đặc biệt ở các đô thị đông đúc, khả năng sạc tại nhà bị hạn chế, trạm sạc công cộng càng trở nên quan trọng để thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện.
Vì vậy, nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi, hàng loạt các hãng xe điện đang thâm nhập vài thị trường Việt Nam chỉ để thăm dò, chưa thực sự chú trọng vào việc phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Chỉ khi đạt được những doanh số ấn tượng mới phát triển dịch vụ đi kèm theo kiểu "bán được bò mới lo đến cỏ"?.
Thực tế cho thấy, khách hàng Việt sẽ khó tiếp nhận một sản phẩm bất tiện cho quá trình sử dụng. Có chăng chỉ là ấn tượng, yêu thích ban đầu.
VTC News