Không có Trump, Putin và Tập Cận Bình, ai là ngôi sao của Davos 2019?
Diễn đàn Davos 2019 diễn ra với sự vắng mặt của hàng loạt nguyên thủ của các nước lớn. Chỉ có ba nhà lãnh đạo từ các quốc gia thuộc G7 sẽ tham dự cuộc họp của WEF.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ không tham dự. Thay vào đó, bà tập trung vào cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Brexit bị các nhà lập pháp Anh từ chối áp đảo. Bà đã may mắn trụ vững trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do đảng Lao động đối lập đưa ra. Trong khi đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không xuất hiện vì ông đang gặp nhiều vấn đề trong cố gắng giải quyết phong trào biểu tình "áo vàng".
Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tham dự WEF năm 2017, cũng vắng mặt và thay vào đó sẽ cử phó chủ tịch của ông đi thay. Các nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ cũng từ chối tham dự diễn đàn lần này.
Tổng thống mới của Brazil, ông Jair Bolsonaro dự kiến sẽ là nhân vật thu hút được sự chú ý lớn nhất trong chuyến đi quốc tế đầu tiên của ông kể từ ngày nhậm chức ngày 1 tháng 1 năm 2019. Nhà lãnh đạo mới của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh tuyên bố sẽ xây dựng "một Brazil khác, không có lợi ích nhóm và tham nhũng tràn lan".
Giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bolsonaro cũng là một người hoài nghi về mức độ nguy hiểm thực sự của biến đổi khí hậu. Cánh tay phải của ông - là Bộ trưởng Môi trường, đã không làm được gì nhiều để giảm bớt lo ngại về nạn phá rừng ở Amazon. Bolsonaro cũng có tư tưởng đối đầu với Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản từ các trang trại của Brazil để thay thế cho hàng hóa của Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Đồng thời, việc giữ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil sẽ được quan tâm đặc biệt, sau khi một cuộc khảo sát mới của WEF cho thấy vấn đề cộng đồng Davos năm nay lo lắng nhất là biến đổi khí hậu thay vì chính trị và kinh tế.
Cuộc khảo sát nhấn mạnh nỗi lo về các kiểu thời tiết cực đoan và nguy cơ gián đoạn một loạt các lĩnh vực bao gồm vận tải và hậu cần. Tuyết rơi dày và tuyết lở chết người đã tấn công dãy An-pơ (Alps), phá hủy đường tàu dẫn đến Davos.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có mặt ở đó, cùng với thủ tướng Áo Sebastian Kurz, và các tổng thống của Iraq, Afghanistan, Colombia, Peru, Rwanda, Uganda và Zimbabwe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đều sẽ tham dự, cũng như các thủ tướng của Ý, Tây Ban Nha, Israel, Hà Lan, Na Uy, Nam Phi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, sẽ đi cùng các lãnh đạo của các cơ quan của Liên Hợp Quốc về thương mại, lao động, người tị nạn và nhân quyền. Cũng không thể thiếu sự xuất hiện của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và NATO.
Người trẻ tuổi nhất dự Davos là Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường 16 tuổi, người đã gây chú ý vào năm ngoái sau khi bắt đầu một cuộc biểu tình về khí hậu bằng cách đình công ở Thụy Điển vào mỗi thứ sáu của tháng 8 năm 2018. Thunberg cáo buộc các nhà lãnh đạo thế giới cư xử như những đứa trẻ vô trách nhiệm vì đã làm đủ cách để chống lại các vấn đề môi trường khi cô phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Ba Lan (COP24).