MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không hề bị hack tài khoản ngân hàng hay Zalo, Facebook, người phụ nữ 'tá hỏa' khi khách mua hàng của mình toàn chuyển tiền cho kẻ lừa đảo

19-03-2024 - 14:03 PM | Kinh tế số

Thủ đoạn lừa đảo tuy đơn giản nhưng cả người mua và người bán hàng online đều rất dễ mắc bẫy.

 

Không hề bị hack tài khoản ngân hàng hay Zalo, Facebook, người phụ nữ 'tá hỏa' khi khách mua hàng của mình toàn chuyển tiền cho kẻ lừa đảo- Ảnh 1.


Theo Công an thành phố Hà Nội, trong thời đại công nghệ số phát triển, nhu cầu mua hàng qua mạng cũng tăng cao. Lợi dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số, sự bất cẩn của người mua và người bán, một số đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi khiến nhiều nạn nhân mắc bẫy.

Theo đó, các đối tượng nghiên cứu các cửa hàng bán hàng online trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok,… có những khách hàng “chốt đơn” tại bình luận (comment) công khai và để lại số điện thoại.

Chúng lập các tài khoản Zalo có tên trùng với tên của cửa hàng, trực tiếp nhắn tin với khách hàng để “chốt đơn” và cung cấp số tài khoản nhận tiền trùng với tên của chủ cửa hàng.

Người mua do chủ quan, khi thấy tài khoản Zalo và số tài khoản ngân hàng trùng với tên cửa hàng mình mua nên không kiểm tra lại và nhanh chóng chuyển tiền mua hàng.

Công an thành phố Hà Nội cho biết, một trường hợp mới đây, chị T - chủ cửa hàng bán hoa online trên Facebook cho biết tài khoản Zalo, Facebook, ngân hàng của chị không bị chiếm đoạt. Nhưng khi người giao hàng yêu cầu khách hàng trả tiền, mới phát hiện ra người mua đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Các đối tượng đã xem bình luận chốt đơn của cửa hàng chị T để nhắn tin cho khách yêu cầu chuyển khoản bằng tài khoản Zalo và tài khoản ngân hàng trùng với tên chị T. Chúng lợi dụng việc một số ngân hàng cho đổi số tài khoản bằng tên dễ nhớ, nên các đối tượng đã đổi số tài khoản lừa đảo bằng họ tên của chị T.

Do mua hàng nhà chị T khá lâu, các khách hàng đã chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo hơn 20 triệu đồng. Khi người giao hàng đến yêu cầu thanh toán thì cả người mua và người bán mới phát hiện ra mình đều là nạn nhân.

Trước thực trạng trên, để giúp người dân phòng tránh sập bẫy lừa đảo trực tuyến, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo:

Đối với người bán, cần công khai các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản thực hiện giao dịch mua hàng. Ngoài ra, người bán nên hạn chế hình thức chốt đơn thông qua bình luận trực tiếp, công khai thông tin khách hàng trên mạng xã hội.

Đối với người mua, cần kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Nên sử dụng dịch vụ “ship COD” (thanh toán khi nhận hàng) trong các giao dịch mua bán và kiểm tra hàng thật kỹ trước khi nhận để tránh rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi mua hàng online nên thông qua các trang thương mại điện tử lớn, uy tín, được cấp phép để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, cần thận trọng và kiểm tra thông tin trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính nào thông qua mạng xã hội.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định của pháp luật.

Thục Trinh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên