MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không liên kết chuỗi, có thể phải tiếp tục… giải cứu

27-12-2017 - 12:00 PM | Thị trường

Liên kết theo chuỗi giá trị sẽ giúp chăn nuôi đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo sự phát triển bền vững cho nông dân và doanh nghiệp, nếu không sẽ xảy ra những cuộc “giải cứu” bất đắc dĩ.

Tại hội thảo về chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị mới đây do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi thời gian qua đã phát triển tích cực, cả về năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, nguồn giống, thức ăn chăn nuôi đa dạng hơn.

Tuy nhiên, sau quá trình phát triển nóng đã nảy sinh nhiều bất cập về kiểm soát cung cầu, chất lượng, ATTP… Điển hình là năm 2017, ngành chăn nuôi lợn liên tục giảm sâu và lâu chưa từng có trong lịch sử, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Theo ông Dương, nguyên nhân chính là do khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt là khâu kết nối người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường, chăn nuôi tự phát vẫn diễn ra phổ biến...

“Muốn ngành chăn nuôi phát triển được phải tiến tới xuất khẩu. Giá thành ít nhất phải bằng giá trong khu vực, an toàn dịch bệnh. Như hiện nay, giá thành lợn hơi vẫn duy trì ở mức 40.000 đồng/kg thì không thể cạnh tranh được. Hội nhập thế giới không thể mong thịt lợn lên mức 45.000 -50.000 đồng/kg”- ông Dương nói.

Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN&PTNT) cũng đã chỉ ra, mức độ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện nay của nước ta đạt rất thấp. Tỷ trọng sản lượng liên kết của các doanh nghiệp được khảo sát đối với một số sản phẩm chăn nuôi gồm: sữa, gà thịt, lợn thịt và trứng gà đạt lần lượt: 45%; 3,7%; 4,2% và 0,2% so với tổng sản lượng cả nước. Tính trung bình đối với hai sản phẩm chủ lực là gà, lợn thịt chỉ khoảng 4%.

Cả nước hiện mới chỉ xây dựng, phát triển được 350 mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi. Nhiều mô hình chỉ hoạt động trên danh nghĩa (không hợp đồng và không ràng buộc). Ông Dương cho rằng, chăn nuôi phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. “Nếu không tổ chức nhanh thì chúng ta sẽ lặp lại tình trạng “giải cứu” liên tục, hôm nay có thể là lợn, mai có thể là gà, bò. Liên kết chuỗi sẽ giúp chúng ta cải thiện dịch bệnh, ATTP, vệ sinh môi trường, đảm bảo tính ổn định của thị trường, phân biệt rõ ràng những khâu yếu kém. Đây được xem là giải pháp then chốt cho phát triển bền vững trong ngành chăn nuôi và là một nội dung lớn trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới”- ông Dương nói.

Theo Bình Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên