MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không ngại động chạm khi kiểm toán 36 'ông lớn'

Trò chuyện với PV Tiền Phong, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Quang Thành cho hay: Kế hoạch kiểm toán năm 2018 đã được ban hành với 205 cuộc kiểm toán, trong đó sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 tại 36 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại.

Tập trung vào lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Trong năm qua, hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng xảy ra nhiều sai phạm lớn, gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong kế hoạch kiểm toán năm 2018, KTNN dành sự quan tâm thế nào đến lĩnh vực này, thưa ông?

Thời gian qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng theo kế hoạch định kỳ. Những sai phạm, hạn chế, tồn tại trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước được phát hiện qua kiểm toán đã được KTNN quyết liệt kiến nghị xử lý, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể cá nhân có sai phạm; một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định của

pháp luật.

Qua kiểm toán cũng đã cảnh báo, khuyến cáo việc phòng ngừa và kiểm soát rủi ro quản lý, rủi ro hoạt động tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề đã được KTNN cảnh báo, khuyến cáo trước đây nhưng do các đơn vị tiếp thu, chấn chỉnh chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, triệt để và những lý do chủ quan, khách quan khác, nên sai phạm thất thoát vẫn còn xảy ra.

Đây cũng là vấn đề cần quan tâm ở mục tiêu, nội dung kiểm toán năm 2018. Theo đó, KTNN sẽ có giải pháp giải quyết toàn diện, hiệu quả, quyết liệt hơn ở khâu đôn đốc kiểm soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán tại báo cáo kiểm toán phát hành nhằm khắc phục, uốn nắn sai phạm của các đơn vị sau hoạt động kiểm toán.

Kế hoạch kiểm toán năm 2018 đã được Tổng KTNN ban hành, gồm 205 cuộc kiểm toán. Trong đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 tại 36 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, KTNN cũng tiến hành các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng.

Trong kế hoạch này thì nội dung nào sẽ được KTNN ưu tiên hàng đầu, thưa ông?

KTNN tiếp tục tập trung kiểm toán các nội dung trọng yếu, nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng, cụ thể như: KTNN sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm toán cũng như hiệu lực của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là những vấn đề nhằm tăng cường hiệu lực quản lý đối với doanh nghiệp và việc ngăn ngừa sai phạm, hạn chế tổn thất, rủi ro và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.

KTNN cũng sẽ đi sâu kiểm toán, đánh giá hoạt động quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp nhằm kiến nghị việc cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước, KTNN sẽ quyết liệt chỉ đạo các đoàn KTNN thực hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, KTNN tiếp tục tập trung kiểm toán đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát phát hiện những văn bản không phù hợp hoặc sơ hở để kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ nhằm hoàn thiện văn bản pháp lý chưa rõ ràng hoặc thiếu nhất quán cho các đơn vị thực hiện.

Không ngại động chạm khi kiểm toán 36 ông lớn - Ảnh 1.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Quang Thành.

Chấp nhận động chạm, mất lòng

Trên thực tế, khi tiến hành kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, KTNN có gặp phải những khó khăn, áp lực gì không, nhất là khi động chạm đến nhiều cán bộ có chức quyền, thậm chí là “động chạm” đến những nhóm lợi ích?

KTNN thực hiện kiểm toán trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thời gian qua, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013; Luật KTNN sửa đổi bổ sung đã được ban hành và có hiệu lực từ 01/1/2016; rồi các quy định về hoạt động kiểm toán của KTNN thực hiện dựa trên hệ thống chuẩn mực kiểm toán được xây dựng trên cơ sở nền tảng hệ thống chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, ngoài tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật, các đoàn và thành viên đoàn KTNN đều phải chấp hành nghiêm túc quy trình kiểm toán, quy chế quản lý hoạt động của đoàn kiểm toán; phải chịu sự giám sát, kiểm soát của cả hệ thống kiểm soát nội bộ của KTNN, bao gồm cả hệ thống nhật ký kiểm soát online hàng ngày, được giám sát bởi nhiều bộ phận độc lập…

Một trong những kiểm toán chuyên đề năm 2018 là: Đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế: Đình Vũ - Cát Hải, Chu Lai, Phú Quốc, Nhơn Hội, Vân Đồn, Định An, Chân Mây - Lăng Cô, Vũng Áng, Đông Nam Nghệ An, Dung Quất, Nam Phú Yên, Nghi Sơn, Năm Căn và Vân Phong.

Với nền tảng pháp lý, cơ sở về chuyên môn và hệ thống kiểm soát, giám sát hiện có, hoạt động của KTNN đã được thực hiện một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp, trách nhiệm cao và minh bạch; các kết luận, kiến nghị kiểm toán đảm bảo độc lập và khách quan.

Những áp lực kiểm toán viên gặp phải là yêu cầu áp lực của lãnh đạo KTNN bắt buộc phải quyết liệt, hiệu quả, được bình xét chấm điểm từng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán… Đã làm nghề kiểm toán thì phải chấp nhận động chạm, mất lòng, phải có bản lĩnh hoàn thành nhiệm vụ. Trong hoạt động kiểm toán, chúng tôi chưa gặp phải áp lực gì từ bên ngoài như phóng viên nêu.

Làm việc với KTNN mới đây, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định, không ai có thể can thiệp vào hoạt động kiểm toán. Còn thực tế thì sao, đã có ai can thiệp vào hoạt động kiểm toán chưa, thưa ông?

“Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là một trong những nguyên tắc hoạt động của KTNN đã được quy định trong Luật KTNN 2005 trước đây và hiện nay là Luật KTNN 2015. Đặc biệt, đây là nguyên tắc đã được hiến định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013 “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Với địa vị pháp lý và nguyên tắc hoạt động đã được hiến định và trên thực tế thời gian qua, không ai can thiệp vào hoạt động kiểm toán đúng như Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định.

Trong vài năm trở lại đây, KTNN luôn được Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá cao từ các kết luận kiểm toán. Vậy trong năm 2018 này, KTNN sẽ làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn của Quốc hội và nhân dân?

Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ, KTNN còn tập trung kiểm toán các chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và các vấn đề được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Qua kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên địa bàn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, đóng góp tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn của Quốc hội và nhân dân, KTNN sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán, áp dụng CNTT, nâng cao năng lực kiểm toán viên để thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công theo kế hoạch đã ban hành. Trong năm nay, ngoài các cuộc kiểm toán tài chính thường niên, KTNN còn tập trung vào một số chuyên đề kiểm toán các dự án theo hình thức đối tác công tư, các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế…nhằm chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Nhiệm vụ kiểm toán năm 2018 của KTNN hết sức nặng nề, đầy thách thức với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, KTNN sẽ hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội và nhân dân.

Cảm ơn ông.

Theo Luân Dũng (thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên