Không phải cổ phiếu hay SPAC, đây mới là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất với giới siêu giàu
Goldman Sachs cho biết, gần một nửa số văn phòng gia đình mà họ hợp tác muốn đưa tiền số vào danh mục đầu tư ổn định của họ dù loại tài sản này gần đây đang rớt giá mạnh.
- 22-07-2021Như chưa hề có cuộc chiến thuế quan: Hàng hóa vận chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn bùng nổ bất chấp đại dịch
- 22-07-2021Nhà đầu tư kỳ cựu: "Chứng khoán Mỹ có thể sẽ điều chỉnh 15% trong thời gian tới"
Ngân hàng Mỹ tiết lộ, trong số 150 văn phòng gia đình trong cuộc khảo sát gần đây, 15% cho biết họ đã đầu tư vào tiền số. 45% nói rằng họ sẽ cân nhắc về loại tài sản này với vai trò là "hàng rào chống lạm phát, lãi suất thấp và điều kiện kinh tế vĩ mô thay đổi khi các NHTW rút lại các biện pháp kích thích."
Mối quan tâm từ các văn phòng gia đình – vốn hoạt động kín tiếng và bí mật, cho thấy người giàu đang trở thành một thế lực mạnh mẽ trên thị trường như thế nào. Trong số các công ty tham gia cuộc khảo sát của Goldman Sachs, 22% đang quản lý từ 5 tỷ USD tài sản trở lên và 45% quản lý từ 1-4,9 tỷ USD.
Một số văn phòng gia đình từ lâu đã đầu tư vào công ty tư nhân và bất động sản. Song, gần đây, họ là một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy cơn sốt SPAC trên Phố Wall. Cũng giống như hiện tượng đó, sự điên cuồng trên thị trường tiền số trong năm qua đã thu hút nhiều định chế tài chính, người nổi tiếng hay thậm chí là cả các vận động viên.
Khi các văn phòng gia đình ngày càng phát triển và quy mô được mở rộng, nhiều nhà phê bình cho rằng giới chức Mỹ nên thắt chặt quy định hơn, đặc biệt là sau vụ sụp đổ gây thiệt hại hàng tỷ USD của Archegos Capital Management.
Trong cuộc khảo sát của Goldman, các văn phòng gia đình cũng thể hiện sự quan tâm đầu tư vào "hệ sinh thái kỹ thuật số". Meena Flynn – trợ lý mảng quản lý tài sản tư nhân của Goldman, cho biết: "Nhiều gia đình muốn thảo luận với chúng tôi về công nghệ blockchain và sổ cái kỹ thuật số. Họ nghĩ rằng công nghệ này sẽ có tác động mạnh mẽ như internet về góc độ hiệu quả và năng suất."
Tuy nhiên, các văn phòng gia đình khác cho biết họ vẫn lo ngại về giá trị cơ bản về lâu dài của tiền số, dù ngành tài chính gần đây đã cởi mở hơn với lĩnh vực này và công nghệ blockchain. Hiện tại, Bitcoin đang thấp hơn 50% so với mức kỷ lục gần 65.000 USD vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, giá đồng tiền này vẫn tăng hơn 230% so với 1 năm trước đó.
Ở thế kỷ này, các văn phòng gia đình đã phát triển mạnh mẽ, một phần là nhờ sự bùng nổ của các tỷ phú công nghệ. Hơn 10.000 văn phòng gia đình trên toàn cầu đang quản lý tài sản của 1 gia đình duy nhất, với 1 nửa trong số đó mới thành lập từ thế kỷ này. Một ước tính năm 2019 của các công ty nghiên cứ Campden Wealth cho thấy, các văn phòng gia đình trên toàn cầu đang giám sát gần 6 nghìn tỷ USD tài sản, lớn hơn cả ngành quỹ phòng hộ.
Quy mô của các công ty này khá đa dạng. Một số quản lý vài trăm triệu USD, trong khi số khác lại giám sát số tài sản lớn hơn cho các tỷ phú như Sergey Brin và Jeff Bezos. Tên của các văn phòng gia đình đôi khi có ý nghĩa khá khó hiểu để tránh gây sự chú ý với công chúng. Ví dụ, văn phòng gia đình của Brin là Bayshore Global Management, được lấy cảm hứng từ địa điểm Alphabet đặt trụ sở. Trong khi đó, văn phòng gia đình của anh em tỷ phú Charles và David Koch có tên 1888 - năm ông nội của họ di cư tới Mỹ.
Tại châu Á, văn phòng gia đình cũng "mọc" lên khắp nơi nhờ sự trỗi dậy của giới siêu giàu trong khu vực. Tỷ phú Jack Ma và Wu Yajun đều thành lập văn phòng gia đình của riêng họ trong thập kỷ qua. Trong khi đó, các thành viên giới siêu giàu ở phương Tây – bao gồm Ray Dalio, đang mở rộng chi nhánh của các văn phòng gia đình ở châu Á.
Tham khảo Bloomberg